11:18 15/07/2010

Hỏa hoạn nhiều, vẫn khó bán bảo hiểm cháy nổ

Hoàng Xuân

Khi nhiều vụ cháy lớn xảy ra liên tiếp, người ta mới phát hiện ra rằng việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn rất hạn chế

Từ năm 2002 đến 2006, các vụ hỏa hoạn ngày càng gia tăng. Cả nước đã xảy ra 11.795 vụ cháy, thiệt hại ước tính 1.710 tỷ đồng. Riêng năm 2009 đã xảy ra 1.948 vụ cháy.
Từ năm 2002 đến 2006, các vụ hỏa hoạn ngày càng gia tăng. Cả nước đã xảy ra 11.795 vụ cháy, thiệt hại ước tính 1.710 tỷ đồng. Riêng năm 2009 đã xảy ra 1.948 vụ cháy.
Gần đây, khi nhiều vụ cháy lớn xảy ra liên tiếp, người ta mới phát hiện ra rằng việc tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc còn rất hạn chế, chỉ khoảng 20% trên tổng số phải mua theo quy định.

Những bất cập trên thị trường bảo hiểm cháy nổ và rủi ro đặc biệt tại Việt Nam hiện nay đang khiến cho việc triển khai loại hình bảo hiểm này gặp nhiều khó khăn.

Cả nghìn lý do để trốn tránh

Tại cuộc hội thảo về  bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt tại Việt Nam diễn ra mới đây, đại diện Bộ Tài chính đã công bố những con số thống kê khá ấn tượng về thị trường.

Từ năm 2002 đến 2006, các vụ hỏa hoạn ngày càng gia tăng. Cả nước đã xảy ra 11.795 vụ cháy, thiệt hại ước tính 1.710 tỷ đồng. Riêng năm 2009 đã xảy ra 1.948 vụ cháy. Các vụ cháy vẫn tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi tập trung hoạt động sản xuất công nghiệp như Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Trong khi đó, năm 2009, doanh thu phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc toàn thị trường đạt 31,7 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2010 đạt 44,4 tỷ đồng.

Đại diện Bảo Việt kể rằng, nhiều khách hàng đã viện đủ lý do để trốn tránh việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Họ nói rằng họ không thuộc diện tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo nghị định của chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất thì không thừa nhận việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc vì không có văn bản nào, thông báo nào từ các cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp của họ thuộc diện điều chỉnh của nghị định.

Rồi cũng có doanh nghiệp chia sẻ rằng: họ cũng muốn thực thi pháp luật lắm nhưng điều kiện chưa cho phép, chưa có giấy chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy, chưa được cấp ngân sách, nếu tham gia đầy đủ thì không đủ tiền tham gia, hoặc có doanh nghiệp đưa ra lý do rằng công ty mẹ ở nước ngoài không đồng ý do không biết nghị định về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

“Xảy ra tình trạng trên là do những vướng mắc từ hệ thống văn bản pháp luật”, đại diện Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết.

Mặc dù, hệ thống văn bản pháp lý đã quy định chi tiết các đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như: đối tượng buộc phải tham gia (16 nhóm) chưa bao quát, bản dịch tiếng Anh chưa hoàn thiện và công khai rộng rãi, biểu phí, mức khấu trừ còn rất cao so với biểu phí tự nguyện và chưa có hướng dẫn bảo hiểm, quy tắc đối với các rủi ro phụ.

Khắc phục cách nào?

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), nhu cầu bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt đang ngày một gia tăng theo đà tăng trưởng của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư tư nhân.

Đặc biệt, từ khi Luật phòng cháy chữa cháy (số 27/2001/QH10) và Nghị định 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc có hiệu lực thi hành đã có tác động nhất định đối với ý thức phòng cháy chữa cháy và tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc của người dân và các tổ chức. Bên cạnh đó, rủi ro từ thiên tai như giông tố, bão lụt, lũ... cũng xảy ra ngày càng nhiều và mức độ gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Bên cạnh tiềm năng cho hoạt  động kinh doanh bảo hiểm này thì thực trạng kinh doanh không có lãi của các doanh nghiệp bảo hiểm đối với nghiệp vụ bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt cũng đáng phải xem xét. Theo AVI, doanh thu bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt năm 2005 đạt 5.678 tỷ đồng và tăng lên13.641 tỷ đồng vào năm 2009.

Tuy nhiên, bắt đầu có dấu hiệu, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm không có lãi trong kinh doanh nghiệp vụ này: năm 2008 có 16 doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ này thì có tới 5 doanh nghiệp lỗ là: AAA, Bảo Tín, Groupama, Liberty và ACE. Năm 2009, mặc dù nhiều doanh nghiệp tăng đầu tư vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm song vẫn còn 4/16 doanh nghiệp bị lỗ là: Liberty, Groupama, Fubon và MSIG.

Ông Trần Thanh Tú, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo bảo hiểm, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ sửa chế độ chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm hỏa hoạn và rủi ro đặc biệt, cùng với đó là tăng cường giám sát kiểm tra, xây dựng cơ chế thông tin giữa doanh nghiệp bảo hiểm và các cơ quan chức năng, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền.

Về phía Hiệp hội Bảo hiểm, ông Lộc cho biết, để khắc phục tồn tại và phát triển thị trường một cách lành mạnh, về quản lý Nhà nước, cần sửa đổi Luật phòng cháy chữa cháy. Về cơ chế chính sách, cần sửa  đổi quy định về tỷ lệ 5% kinh phí phòng cháy chữa cháy phải nộp và tỷ lệ giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm (không tính phần phí tái bảo hiểm) phù hợp hơn với thực tế.

Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp cần được cấp kinh phí để mua bảo hiểm và quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người đứng đầu nếu không mua bảo hiểm. Cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và xử lý trục lợi bảo hiểm.

Ngoài ra, cần sửa đổi quy tắc điều khoản bảo hiểm cháy nổ bắt buộc phù hợp với quy tắc điều khoản bảo hiểm cháy nổ và các rủi ro đặc biệt để thuận tiện cho việc mở rộng rủi ro bảo hiểm ngoài rủi ro cháy nổ bắt buộc và thuận lợi cho tái bảo hiểm.