14:08 13/05/2024

Hoa Kỳ rà soát cuối kỳ lần thứ nhất với sản phẩm túi dệt Việt Nam

Vũ Khuê

Nếu kết quả rà soát cho thấy việc ngừng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá và trợ cấp gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Hoa Kỳ thì lệnh áp thuế sẽ được áp dụng thêm 5 năm nữa...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 01 tháng 5 năm 2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo khởi xướng cuộc rà soát cuối kỳ lần thứ nhất đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp sản phẩm túi dệt (Laminated Woven Sacks) nhập khẩu từ Việt Nam. 

Sản phẩm bị điều tra là túi dệt, có mã HS 6305.33.0040, 3917.39.0050, 3921.90.1100, 3921.90.1500, 3923.21.0080, 3923.21.0095, 3923.29.0000, 4601.99.0500, 4601.99.9000, 4602.90.0000, và 5903.90.2500.

Sản phẩm này đã bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp năm 2018 và áp thuế từ năm 2019 (mức thuế từ 109,46% - 292,61% đối với điều tra chống bán phá giá và mức thuế 3,02% - 198,87% đối với điều tra chống trợ cấp).  

Rà soát cuối kỳ được thực hiện 5 năm một lần. Theo Cục Phòng vệ Thương mại, nếu kết quả rà soát cho thấy việc ngừng áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp có thể dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá và trợ cấp gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất Hoa Kỳ thì lệnh áp thuế sẽ được áp dụng thêm 5 năm nữa.

Cũng theo Cục Phòng vệ Thương mại, thông thường DOC sẽ xác định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá khi: biên độ phá giá duy trì ở trên mức tối thiểu sau khi lệnh áp thuế được ban hành; ngừng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra sau khi lệnh áp thuế được ban hành; hoặc không còn bán phá giá sau khi lệnh áp thuế được ban hành và lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra giảm đáng kể.

Ngược lại, DOC sẽ xác định việc dỡ bỏ lệnh áp thuế không có khả năng tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán bán phá nếu không còn hành vi bán phá giá sau khi lệnh áp thuế được ban hành và lượng nhập khẩu duy trì ổn định hoặc thậm chí gia tăng.

Đối với chống trợ cấp, DOC sẽ xem xét các trường hợp: biên độ trợ cấp trong cuộc điều tra ban đầu và các cuộc rà soát sau đó; có những thay đổi nào đối với các chương trình ảnh hưởng tới biên độ trợ cấp hay không.

Thông thường nếu chương trình vẫn được duy trì, không bị hủy bỏ hoặc được thay thế thì là bằng chứng cho thấy việc dỡ bỏ lệnh áp thuế có khả năng tái diễn trợ cấp.

Đặc biệt, theo quy định của Hoa Kỳ, các bên muốn đăng ký tham gia với tư cách bên liên quan cần nộp thông báo trong vòng 10 ngày kể từ ngày đăng thông báo khởi xướng.

Để đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có liên quan cần tìm hiểu quy định, trình tự thủ tục rà soát cuối kỳ của Hoa Kỳ.

Mặt khác, thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Hoa Kỳ, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc.