12:01 23/06/2022

Hoa mắt với thanh khoản, tiền đi đâu hết?

Kim Phong

Nhiều nhà đầu tư sẽ không tin vào mắt mình khi nhìn lướt qua con số giao dịch sáng nay. HoSE khớp “miệt mài” cả sáng cũng chỉ khoảng 4,4 ngàn tỷ đồng, hai sàn tính chung chưa tới 5 ngàn tỷ, mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm...

Xếp theo giá trị giao dịch, những cổ phiếu thanh khoản tốt nhất HoSE cũng có nhiều mã tăng giá.
Xếp theo giá trị giao dịch, những cổ phiếu thanh khoản tốt nhất HoSE cũng có nhiều mã tăng giá.

Nhiều nhà đầu tư sẽ không tin vào mắt mình khi nhìn lướt qua con số giao dịch sáng nay. HoSE khớp “miệt mài” cả sáng cũng chỉ khoảng 4,4 ngàn tỷ đồng, hai sàn tính chung chưa tới 5 ngàn tỷ, mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm.

VN-Index vẫn đang giằng co xanh đỏ quanh tham chiếu, tức là luẩn quẩn ở sát đáy cũ tháng 5. Thanh khoản tụt giảm ở gần đáy được cho là tốt, nhưng cũng có thể nhà đầu tư đang cẩn thận chờ đợi một diễn biến rõ ràng hơn trước khi hành động, dù là mua hay bán.

Thanh khoản quá thấp nên giá cổ phiếu sáng nay cũng không thật sự chắc chắn. HoSE ghi nhận độ rộng 202 mã tăng/235 mã giảm, nghĩa là cổ phiếu vẫn đang phân hóa bình thường. Chỉ cần lực mua hay bán thay đổi nhẹ, giá có thể đã khác.

Cổ phiếu dầu khí và một số nhóm liên quan đến giá dầu đã có mức phục hồi nhẹ sau phiên bán tháo hôm qua. Giá dầu dù giảm nhiều trong vài ngày qua nhưng vẫn neo giữ rất cao trên 100 USD/thùng. Cổ phiếu các nhóm này chủ yếu bị tác động bởi áp lực chốt lời ngắn hạn, nên khi một lượng lớn cổ phiếu được giải phóng, áp lực sẽ nhẹ đi.

GAS tăng 2,52% đang là mã trụ mạnh nhất của VN-Index. Xếp ngay sau là DGC tăng kịch trần 6,96%. Các mã phân bón cũng bắt đầu phân hóa, với SFG tăng 3,79%, PSW tăng 2,99%, CVS tăng 2,67%, DDV tăng 1,99%... nhưng DCM vẫn giảm 1,02%, DPM giảm 2,71%. Cũng phải nhấn mạnh về thanh khoản, do giao dịch quá ít nên nhóm tăng giá đều có thanh khoản rất kém, trong khi DCM, DPM đều giao dịch cỡ trăm tỷ và nằm trong nhóm thanh khoản nhất thị trường thì vẫn giảm giá.

Cổ phiếu dầu khí nhiều mã cũng đang hồi lại. Ngoài GAS thì PCG, PVS, PVC, PVO, PVD đều tăng từ 2-6%. PSH, BSR, PTV tăng trên 1%.

Nhóm tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán cũng tăng giảm đan xen. Các mã nhóm chứng khoán nhỏ có vẻ lợi thế hơn với thanh khoản thấp: DSC, FTS, BVS, CSI, WSS, VIX tăng trên 3%. Trong khi đó SSI tăng 1,69%, HCM tăng 2,11%, VND giảm 3,82%, VCI giảm 1,07%... Cổ phiếu ngân hàng nhóm giảm có nhiều blue-chips như BID, VCB, VPB, HDB, ACB. Duy nhất CTG thuộc VN30 là tăng 1,06% đáng kể nhất.

VN-Index giằng co trong biên độ rất hẹp.
VN-Index giằng co trong biên độ rất hẹp.

Sự giằng co của các mã trụ trong bối cảnh thanh khoản thấp là nguyên nhân chính khiến VN-Index cứ trồi sụt cả buổi sáng mà không hình thành nhịp tăng giảm rõ ràng nào. Biên độ tăng cao nhất của chỉ số là 0,37% trên tham chiếu và giảm sâu nhất là 0,62% dưới tham chiếu. Như vậy biên độ dao động tối đa của chỉ số sáng nay chưa tới 1%. Chỉ số chốt phiên sáng tăng nhẹ 0,64 điểm. VN30 vẫn đang giảm 0,17% với 14 mã tăng/13 mã giảm. VIC rớt 1,6%, VHM giảm 1,54%, SAB giảm 1,86% là 3 cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất.

Thanh khoản sáng nay rất thấp khiến giao dịch của khối ngoại có phần nổi bật. Tổng giá trị giải ngân tại HoSE đạt 777,7 tỷ đồng chiếm tới 16% giá trị sàn. MWG đang được mua gần 2,58 triệu cổ chiếm tới 63% tổng thanh khoản mã này. Giá trị mua ròng tương ứng gần 127 tỷ đồng. MWG cũng tăng giá 1,72% và là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường với 291,5 tỷ đồng. GAS cũng được mua ròng khá lớn 27,1 tỷ. DCM, PVD, CTG là các mã khác được mua ròng từ 10 tỷ đồng trở lên. Phía bán ròng có NVL -22,8 tỷ, DIG -14,7 tỷ, VND -12,5 tỷ, VHM -11,4 tỷ. Tính chung mức mua ròng tại HoSE đạt 144,4 tỷ đồng.

Việc giao dịch rất chậm và thanh khoản quá thấp kết hợp với giá biến động nhỏ cho thấy cung cầu đang không gặp nhau. Người mua và người bán chào giá quá xa mà không bên nào chịu nhường. Thông thường đây là trạng thái giằng co tốt về tâm lý khi thị trường lình xình quanh vùng đáy. Tuy vậy tâm lý này không phải là vững, nếu xuất hiện biến động mạnh theo hướng nào đó.