12:32 16/12/2024

Hơn 143.000 người đi lao động nước ngoài trong 11 tháng, kết quả vượt xa mục tiêu cả năm 2024

Phúc Minh

Kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024 đến nay vượt xa mục tiêu cả năm, chỉ trong 11 tháng đã đạt 114% kế hoạch năm. Điều này có được nhờ duy trì ổn định các thị trường truyền thống, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 11 tháng năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 143.160 lao động, trong đó có 45.350 lao động nữ.

Số lao động đưa đi chỉ qua 11 tháng đã đạt 114% kế hoạch năm 2024, như vậy vượt mục tiêu đưa từ 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của cả năm.

Thực tế, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2024 đã “về đích” sớm chỉ qua 10 tháng, song đến hết tháng 11 vừa qua, con số này tiếp tục vượt xa mục tiêu.

Kết quả này có được nhờ duy trì ổn định các thị trường truyền thống. Trong đó, đóng góp lớn nhất là thị trường với Nhật Bản, chiếm gần một nửa trong tổng số lao động đư đi, với 69.188 lao động (28.665 lao động nữ).

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, những năm gần đây, thực tập sinh, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản luôn chiếm hơn 50% trong tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản với các tư cách lưu trú như thực tập sinh, kỹ năng đặc định và kỹ sư, kỹ thuật viên, phiên dịch... Đại bộ phận thực tập sinh và lao động Việt Nam chăm chỉ làm việc, chịu khó học tập để nâng cao trình độ tiếng Nhật và tay nghề.

Nhờ chịu khó học tập và được sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của công ty tiếp nhận và nghiệp đoàn quản lý, nhiều lao động Việt Nam đã trưởng thành, trở thành lao động nòng cốt của công ty tiếp nhận, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và kinh tế Nhật Bản, cũng như sự phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước.

Việc đảm bảo và nâng cao quyền, lợi ích hợp pháp cho thực tập sinh, lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản là tạo thuận lợi cho việc hình thành, phát triển xã hội cộng sinh Nhật Bản, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực có chất lượng cho chính doanh nghiệp tiếp nhận và Nhật Bản.

Ngoài Nhật Bản, hai thị trường truyền thống khác cũng có đóng góp lớn về việc tiếp nhận lao động là Đài Loan (Trung Quốc) với 53.271 lao động (14.406 lao động nữ) trong 11 tháng, Hàn Quốc với 11.273 lao động (1.118 lao động nữ)…

Bên cạnh các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống nêu trên được tiếp tục được duy trì ổn định trong năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp tục mở rộng và phát triển một số thị trường lao động có mức thu nhập và điều kiện làm việc tốt tại khu vực châu Âu.

Hiện nay, số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này chưa nhiều, nhưng điều kiện làm việc và thu nhập tương đối tốt.

Mặt khác, trong thời gian qua, các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh, công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn; công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được chú trọng.

Thông qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để góp phần thúc đẩy việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng hiệu quả hơn.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Trong đó, chủ yếu như sản xuất chế tạo (cơ khí, dệt may, giày da, lắp ráp điện tử...), xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) và dịch vụ (chăm sóc người cao tuổi, người bệnh, giúp việc trong gia đình). Điều kiện làm việc và sinh hoạt tốt, chế độ phúc lợi bảo đảm.

Đến nay, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực, góp phần quan trọng giải quyết việc làm gắn với thu nhập cao cho người lao động.