14:14 16/12/2021

Hơn 16.000 tỷ đầu tư hạ tầng giao thông Bình Thuận đến năm 2025, khởi công mới 2 dự án

Anh Tú

Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Thuận được ngân sách rót khoảng 16.128 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Đáng chú ý, có 2 dự án khởi công mới gồm Quốc lộ 28B và nâng cấp đường sắt trong đoạn Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh...

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận sẽ được khởi công mới, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận sẽ được khởi công mới, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 12957 về việc trả lời kiến nghị của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, cử tri Bình Thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 55 đoạn Km52+640 - Km97+692, tỉnh Bình Thuận để đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở triển khai thực hiện dự án.

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Giao thông vận tải khẳng định việc đầu tư tuyến Quốc lộ 55 đoạn qua tỉnh Bình Thuận là cần thiết nhưng do khó khăn trong cân đối nguồn lực nên chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn này, tỉnh Bình Thuận sẽ được ngân sách cân đối khoảng 16.128 tỷ đồng để hoàn thành 5 dự án và khởi công 2 dự án mới. 

 

"Đối với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cân đối được khoảng 16.128 tỷ đồng để hoàn thành 05 dự án đang đầu tư, chuyển tiếp từ giai đoạn trước và khởi công mới 02 dự án gồm: Quốc lộ 28B và cải tạo, nâng cấp đường sắt trong đoạn Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh".

Bộ Giao thông vận tải.

Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B, qua 2 tỉnh Bình Thuận-Lâm Đồng sẽ được khởi công mới với tổng vốn khoảng 1.435 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải lý giải, trong điều kiện nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ hết sức hạn hẹp, Bộ Giao thông vận tải chỉ được phân bổ tổng số 304.104 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị quyết số 29/2011/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.

Theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, số vốn này phải ưu tiên bố trí khoảng 147.000 tỷ đồng để hoàn thành các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước, thanh toán các khoản nợ đọng thuộc nghĩa vụ của ngân sách nhà nước.

Như vậy, “chỉ còn 157.000 tỷ đồng để triển khai các dự án mới. Trong đó, tập trung bố trí khoảng 117.500 tỷ đồng cho 18 dự án đường bộ cao tốc khởi công mới và khoảng 39.500 tỷ đồng cho một số ít các dự án động lực, cấp bách hoặc để xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông trong cả 5 năm trên 63 tỉnh, thành phố”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Được biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐTTg ngày 01/9/2021, tuyến Quốc lộ 55 có tổng chiều dài 290km đi qua 3 tỉnh gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng.

Quốc lộ 55 có điểm khởi đầu tại TP. Bà Rịa, đi qua các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Hàm Tân, thị xã La Gi, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận), Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng), và kết thúc tại TP. Bảo Lộc. Đây là con đường trục Đông - Tây kết nối hai vùng kinh tế Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Quy mô quy hoạch cấp III, 02-04 làn xe.

Trong đó, đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Bình Thuận khoảng 152km, Km52+640 - Km205+140, hiện trạng tuyến đường cơ bản đạt tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Thời gian qua, tuyến đường được sửa chữa, cải tạo từ nguồn vốn bảo trì để duy trì chất lượng khai thác mặt đường đảm bảo êm thuận và an toàn cho các phương tiện lưu thông. 

Căn cứ nhu cầu đầu tư theo kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét khi có điều kiện nguồn lực. Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.