06:00 20/09/2021

Hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, khơi dậy tiềm năng du lịch

Anh Tú

Dự án đầu tư xây dựng đường Chợ Mới - Bắc Kạn hơn 2.000 tỷ đồng sẽ được hoàn thành vào năm 2025, phá điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, đánh thức tiềm năng phát triển cho tỉnh...

Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn sau khi hoàn thành sẽ khớp nối với tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đang khai thác, hình thành một tuyến cao tốc dài khoảng 70km chạy thẳng từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn.
Tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn sau khi hoàn thành sẽ khớp nối với tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đang khai thác, hình thành một tuyến cao tốc dài khoảng 70km chạy thẳng từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn.

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 1676/QĐ-BGTVT phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Chợ Mới - Bắc Kạn.

Theo quyết định, dự án Chợ Mới - Bắc Kạn có chiều dài toàn tuyến khoảng 28km. Dự án có điểm đầu từ đường Thái Nguyên - Chợ Mới và điểm cuối nối vào đường TP. Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang đang chuẩn bị thi công.

 
Dự án xây dựng đường Chợ Mới - Bắc Kạn dài 28km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.017 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án được Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư, thời gian hoàn thành dự án vào năm 2025.

Tuyến đường thuộc dự án đi bên phải sông Cầu từ Km0 đến khoảng Km8+300, sau đó vượt sông cầu, cắt Quốc lộ 3 và tiếp tục đi bên trái sông Cầu, theo hướng Thái Nguyên – Bắc Kạn, để tới điểm cuối tuyến.

Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012, đường cao tốc cấp 80, tốc độ tính toán 80km/h; nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11m; khổ cầu bằng khổ nền đường.

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông và các cơ quan liên quan chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 triển khai công tác lập dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, chất lượng và tuân thủ quy định hiện hành.

Trước đó, vào năm 2017, tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) dài khoảng 40km được đầu tư bằng hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng do Tập đoàn CIENCO4 - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng & thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác.

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi vùng cao, địa hình hiểm trở khiến kinh tế chậm phát triển. Nhiều nhà đầu tư cho rằng Bắc Kạn có lợi thế về tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, du lịch Ba Bể... song giao thông bất thuận khiến các doanh nghiệp còn chần chừ khi lựa chọn Bắc Kạn là điểm đến đầu tư. 

Thực tế đoạn đường từ huyện Chợ Mới đến TP. Bắc Kạn có giao thông rất khó khăn, do vậy, chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả khai thác toàn tuyến đường Thái Nguyên - Bắc Kạn, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và kết nối giao thông các tỉnh lân cận.

Để khai thác tối ưu hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn nhiều lần kiến nghị, đề xuất Bộ Giao thông vận tải tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến cao tốc nối tiếp từ đường Thái Nguyên - Chợ Mới đi TP. Bắc Kạn.

Được biết, trong giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn sẽ được Trung ương đầu tư xây dựng hai tuyến đường huyết mạch, tạo đột phá cho phát triển kinh tế, nhất là du lịch, gồm đường Chợ Mới - Bắc Kạn và đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang. Tổng mức đầu tư của hai dự án lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. 

Hai tuyến đường sẽ tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn và Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, nhất là khi 2 tỉnh đang phối hợp các bộ, ngành, Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Khu di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang là di sản thế giới…

 

Sau khi tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn hoàn thành, sẽ hình thành một tuyến đường cao tốc dài gần 70km, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn xuống khoảng 1 giờ đồng hồ so với 2 - 3 giờ khi di chuyển trên tuyến Quốc lộ 3 cũ.

Việc đầu tư xây dựng dự án nhằm từng bước hoàn thiện tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn theo quy hoạch và tăng cường kết nối, nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông. Dự án góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang vận tải từ Bắc Kạn đến các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.