13:18 13/12/2010

Hồng Kông vẫn là thị trường IPO lớn nhất thế giới

An Huy

Sàn Hồng Kông huy động được 52,8 tỷ USD từ các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong năm nay

Vụ IPO của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc thu về 22,1 tỷ USD.
Vụ IPO của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc thu về 22,1 tỷ USD.
Các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc, bao gồm sàn Hồng Kông, đã huy động được số tiền từ các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn gấp gần 3 lần so với thị trường Mỹ. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách một cường quốc tài chính toàn cầu.

Tờ Financial Times dẫn số liệu từ hãng nghiên cứu Dealogic cho biết, sàn Hồng Kông tiếp tục giữ ngôi vị thị trường IPO lớn nhất thế giới khi huy động được 52,8 tỷ USD từ các vụ phát hành cổ phiếu lần đầu trong năm nay, so với con số 42 tỷ USD của các sàn giao dịch tại Mỹ cộng lại. Các sàn giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc đại lục huy động được 66,9 tỷ USD từ IPO.

Theo số liệu của Dealogic, các vụ IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã huy động được 31,39 tỷ USD trong năm nay, đứng thứ hai sau sàn Hồng Kông, tiếp đó là các sàn Thâm Quyến và Thượng Hải.

Financial Times nhận xét, những con số trên phản ánh sự dịch chuyển các hoạt động kinh tế và tài chính toàn cầu khỏi Mỹ và châu Âu tới các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Đây là một xu hướng dài hạn đã tăng tốc từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hồng Kông và Thượng Hải vẫn nổi tiếng là những thị trường huy động vốn hàng đầu, nhưng năm nay còn chứng kiến hoạt động IPO bùng nổ ở sàn Thâm Quyến, sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ hai của Trung Quốc. Đã có khoảng 190 công ty, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, huy động tổng số vốn 28 tỷ USD từ IPO trên sàn Thâm Quyến.

Tại sàn ChiNext, sàn giao dịch dành cho các doanh nghiệp mới thành lập, cũng có 104 công ty huy động được tổng số tiền 12,9 tỷ USD từ IPO.

Hồng Kông trở thành thị trường IPO lớn nhất thế giới từ năm 2009, chấm dứt hơn 1 thập kỷ lĩnh vực IPO nằm dưới sự thống trị của các sàn giao dịch tại Mỹ. Năm ngoái, tổng giá trị của các vụ IPO trên sàn Hồng Kông mới đạt mức hơn 30 tỷ USD, nhưng năm nay, con số này tăng vọt nhờ những vụ IPO “khủng”.

Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ IPO kỷ lục trị giá 22,1 tỷ USD của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và vụ IPO trị giá 20,5 tỷ USD của hãng bảo hiểm AIA.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp bên ngoài Trung Quốc muốn niêm yết tại Hồng Kông. Công ty nhôm Rusal của Nga và mỹ phẩm L’Occitane của Pháp là những doanh nghiệp đầu tiên của hai quốc gia này thực hiện niêm yết tại Hồng Kông trong năm 2010 vừa qua, huy động số vốn tương ứng là 2,2 tỷ USD và 700 triệu USD.

Hãng đồ hiệu Prada của Italy cũng đang xem xét tiến hành niêm yết tại Hồng Kông từ năm tới, thay vì niêm yết ở London hay Milan. Công ty này cho rằng, việc niêm yết tại Hồng Kông sẽ đem lại cho họ mức giá trị cổ phiếu cao hơn.

Tuy nhiên, đã có một số ý kiến lo ngại cho rằng, thị trường vốn Trung Quốc đang phát triển quá nóng. Cổ phiếu nhiều công ty có quy mô nhỏ tại sàn Thâm Quyến thậm chí đang được giao dịch với hệ số P/E (giá/thu nhập) lên tới 70 lần.

Tại Hồng Kông, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch kỳ hạn đang tiến hành điều tra để xác định xem liệu một số công ty, bao gồm cả các ngân hàng đầu tư tư vấn cho các công ty này, có cố tình cung cấp thông tin sai lệch cho các nhà đầu tư trước khi diễn ra các vụ IPO.