10:55 26/11/2008

Hợp tác kinh tế Hàn Quốc - Triều Tiên sa sút

Quốc Trung

Hợp tác kinh tế liên Triều đang xấu đi, với sự sụt giảm của kim ngạch thương mại, do quan hệ hai miền căng thẳng

Xe tải của Hàn Quốc dừng trước cửa khẩu vào Triều Tiên, trên đường tới Khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: Reuters.
Xe tải của Hàn Quốc dừng trước cửa khẩu vào Triều Tiên, trên đường tới Khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: Reuters.
Hợp tác kinh tế liên Triều đang xấu đi, với sự sụt giảm của kim ngạch thương mại, do quan hệ hai miền căng thẳng.

Kim ngạch thương mại song phương tháng 10 đã giảm 23,2% so cùng kỳ năm ngoái và Triều Tiên tuyên bố sẽ đình chỉ hoạt động của tuyến đường sắt liên Triều, trục xuất công nhân Hàn Quốc khỏi 83 nhà máy tại Khu công nghiệp Kaesong...

Mấy ngày qua, Triều Tiên tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn với Hàn Quốc. Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Ho-nyeon cho biết, hôm 24/11, Triều Tiên đã thông báo rằng,  họ sẽ cấm các hoạt động qua lại tại khu vực biên giới đường bộ, nơi vốn diễn ra các hoạt động giao lưu hợp tác và kinh doanh giữa hai miền.

Bất an vì lệnh cấm


Triều Tiên cho biết sẽ siết chặt hạn chế đi lại đối với các doanh nhân Hàn Quốc và sẽ đình chỉ hoạt động của tuyến đường sắt lịch sử liên Triều từ ngày 1/12. Đồng thời sẽ trục xuất hàng chục nhân viên phi chính phủ, bắt đầu là các nhân viên của Công ty Korea Land Corp hoạt động đầu tư phát triển đất đai tại Keasong và của một văn phòng chung quản lý khu công nghiệp này.

Khu công nghiệp Keasong được xem là dự án chung quan trọng nhất và cũng là biểu tượng lớn nhất về hòa giải hai miền Triều Tiên. Mỗi năm, dự án này mang lại cho Triều Tiên hàng triệu USD. Tại đây hiện có 83 nhà máy của Hàn Quốc, sử dụng hơn 32.000 lao động người Triều Tiên.

Triều Tiên đã mời lãnh đạo 80 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở khu công nghiệp Keasong cùng lãnh đạo hai cơ quan quản lý khu tổ hợp này đến họp thông báo kế hoạch này. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư kinh doanh tại Keasong đang rất bất an và lo ngại.

Hiệp hội Các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc ngày 23/11 công bố một báo cáo điều tra cho biết có tới 60,3% số doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất tại Keasong cho rằng họ đang phải đối mặt với tình hình "rất nghiêm trọng" và 28,6% cho rằng tình hình "nghiêm trọng".

Ngoài ra, 34,9% doanh nghiệp nói rằng họ lo ngại về kế hoạch sản xuất năm 2009 do việc Triều Tiên dọa đóng cửa đường biên giới trên bộ với Hàn Quốc từ ngày 1/12, trong khi 22,9% cho biết nhiều khách hàng lớn đã hủy hợp đồng vì lo ngại tình hình bất ổn định sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.

Cùng thiệt hại

Cùng với kế hoạch cấm các hoạt động qua lại tại khu vực biên giới  nêu trên của Triều Tiên, các tour du lịch vốn được ưa thích đến thành phố Keasong cũng sẽ tạm ngừng và ngành du lịch cả hai miền cùng thiệt hại.

Kim ngạch thương mại song phương vốn đã sa sút do căng thẳng quan hệ liên Triều gần đây, cũng tiếp tục giảm sút. Sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2000, thương mại giữa hai miền Triều Tiên tăng mạnh chủ yếu nhờ các dự án do Hàn Quốc tài trợ, trong đó lớn nhất là dự án Kaesong.

Theo số liệu chính thức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, trao đổi thương mại giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong tháng 10 chỉ đạt 160 triệu USD, giảm tới 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính dẫn đến căng thẳng quan hệ hai miền Triều Tiên gần đây là do sau một thập kỷ thực hiện chính sách "Ánh dương" của cựu Tổng thống Roh Moo-hyun với chủ trương cải thiện quan hệ hai miền, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak nhậm chức tháng 2/2008 đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn đối với Triều Tiên.

Căng thẳng càng leo thang sau vụ một nữ du khách Hàn Quốc bị bắn chết tại khu du lịch núi Kumgang của Triều Tiên hồi tháng 7 vừa qua, khiến Seoul đình chỉ các tuyến du lịch tới địa điểm này.

Ủy ban Vì sự tái thống nhất hòa bình của Triều Tiên ngày 22/11 đã cáo buộc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đang theo đuổi "đường lối đối đầu hết sức nguy hiểm". Đồng thời nhắc lại phát biểu mới đây của Tổng thống Lee tại Washington trong chuyến thăm các nước châu Mỹ vừa qua, rằng: mục tiêu chính trị cuối cùng của chính phủ ông là thống nhất hai miền trong một chế độ tự do dân chủ.

Phía Triều Tiên cho rằng, với phát biểu này, ông Lee đã "tuyên chiến với miền Bắc", và cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có hành động cứng rắn đáp trả.

Theo hãng KBS, Hàn Quốc sẽ có thái độ bình tĩnh trước những phản ứng cứng rắn của Triều Tiên. Một quan chức cấp cao của Phủ Tổng thống cho biết, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng tình hình sẽ không có nhiều thay đổi và đây có thể là 1 trong những bước giải quyết vấn đề liên Triều.

Chính phủ dự kiến sắp đến thời điểm để 2 bên đối thoại và Hàn Quốc sẽ chờ đợi thời điểm này. Tổng thống Lee Myung-bak khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc sẽ vẫn duy trì các nguyên tắc về chính sách đối với Triều Tiên.