Hợp tác số giữa các nước ASEAN để tạo ra một ASEAN số
Để thực hiện One ASEAN thì chuyển đổi số và hợp tác số là lời giải tốt nhất. Việt Nam mong muốn ký kết hợp tác đối tác số với các nước ASEAN và các nước khác. Hợp tác đối tác số là một kiểu hợp tác mới. Chúng ta sẽ có các diễn đàn Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản và Việt Nam - Hàn Quốc để bàn về phát triển đối tác số...
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại phiên khai mạc “Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam-VIDW2022" ngày 11/10 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, với sự tham gia của các đoàn đại biểu đến từ các nước ASEAN (Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Brunei, Indonesia, Singapore, Philippines và Malaysia), các nước đối thoại và đại diện các tổ chức quốc tế (TU, GSMA, Unicef, Unesco, ILO và World Bank), các đoàn ngoại giao, các doanh nghiệp số trên toàn cầu (Nokia, Huawei, Samsung, LG, Cisco, Qualcomm, KDDI, Softbank, Red Hat, Kaspersky...).
3 TỪ KHÓA VỀ MỘT QUỐC GIA SỐ
Bộ trưởng Hùng cho rằng một không gian sống mới, một môi trường sống mới sẽ cần đến những nguyên tắc mới, luật lệ mới, văn hoá mới, do đó cần trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Vì lý do này mà chủ đề được lựa chọn cho Tuần lễ số Quốc tế đầu tiên là “Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững”. Sáng kiến này lần đầu được tổ chức tại Việt Nam và sẽ duy trì để trở thành thường niên của các nước ASEAN, để cùng trao đổi về chuyển đổi số, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số. Và theo ông, việc hợp tác số giữa các nước ASEAN để tạo ra một ASEAN số.
Trong bài tham luận của mình, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, cho rằng từ khóa quan trọng nhất về một quốc gia số, gồm: chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Theo ông, chính phủ số cần đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi số của quốc gia, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Chính phủ số nhằm chuyển đổi cách thức phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân. Kinh tế số sẽ góp phần đưa Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao năm 2045. Xã hội số với những chính sách an sinh xã hội thuận lợi, xã hội toàn diện, văn minh an toàn.
"5G là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Di động và băng rộng vẫn là chủ đề chính của viễn thông. Công nghệ số muốn phát huy thì cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN, từ năm 2019, đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì mà chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước".
Năm 2022 Việt Nam đã thông qua chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là cách tiếp cận mới tạo nên sự tăng trưởng nhờ công nghệ số, trong đó, dữ liệu số như là yếu tố đầu vào chính. Phát triển số được xác định là dòng chủ lưu để Việt Nam đạt được các mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, giúp người dân hạnh phúc hơn.
Việt Nam coi kỹ năng số là yếu tố quan trọng để khai phá thế giới số. Việt Nam đề xuất xây dựng khuôn khổ chung về kỹ năng số để hỗ trợ quá trình di chuyển của lực lượng lao động giữa các quốc gia. Ngoài ra, lĩnh vực khác mà Việt Nam muốn hợp tác với các nước là về an ninh mạng. Cần thành lập cơ chế chia sẻ thông tin về các mối đe dọa giữa các quốc gia nhằm phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại, tạo nên không gian mạng an toàn hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết Việt Nam cũng muốn có sự hợp tác để đo lường đóng góp của kinh tế số trong GDP và để so sánh quy mô nền kinh tế số của các nước với nhau. Hiện Việt Nam đã thí điểm đưa ra thước đo đóng góp của kinh tế số trong nền kinh tế. Ông Dũng cũng đề xuất các nước hợp tác và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, đặc biệt là việc phát triển khung pháp lý, luật giao dịch điện tử, thuế, các giao dịch xuyên biên giới, các khuôn khổ sandbox dành cho những dịch vụ mới... để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số.
KINH NGHIỆM CHUYỂN ĐỔI SỐ TỪ QUỐC TẾ
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số của Hàn Quốc, ông Lee Byong Moog, đại diện Bộ Khoa học và Truyền thông Hàn Quốc cho hay, từ năm 1980 đến nay, chặng đường phát triển công nghệ số của Hàn Quốc được chia thành 5 giai đoạn. Hàn Quốc đang thúc đẩy việc xây dựng các mạng lưới siêu kết nối, nghiên cứu về 6G với tốc độ 1GB.
“Nguồn lực đầu tư của Hàn Quốc dành cho ICT hiện chiếm tới 12,9 GDP. Xuất khẩu về ICT chiếm 34% và chi phí cho nghiên cứu phát triển chiếm 58%. Đây là những số liệu cho thấy mức độ quan tâm, đầu tư cho ngành công nghệ số và truyền thông của Hàn Quốc”, vị đại diện đến từ Bộ Khoa học và Truyền thông Hàn Quốc cho hay.
"Năm 2021, tại Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Lào đã thông qua Tầm nhìn 20 năm về phát triển kinh tế số (2021-2040), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển quốc gia số 5 năm (2021-2025)".
Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara.
Ông Jesus Lavina, đại diện phái đoàn Liên minh Châu (EU) tại Việt Nam cho biết, EU đang có những chính sách ưu tiên về chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Công nghệ số đã cho thấy vai trò quan trọng của mình trong đại dịch Covid-19. Nhiều công việc mới cũng đã tạo ra nhờ sự phát triển của công nghệ số.
Cũng theo ông Jesus Lavina, Liên minh châu đã đưa ra một chiến lược chung với tên gọi La bàn số. Đây là một khuôn khổ về chính sách mà thông qua đó EU sẽ thống nhất về một số mục tiêu và đưa ra công cụ, lộ trình để đạt được các mục tiêu đó. Trong chiến lược này, EU muốn phát triển đội ngũ chuyên gia CNTT-TT khoảng 20 triệu người. EU cũng đặt mục tiêu 100% các dịch vụ y tế được cung cấp trực tuyến, trong đó, y tế điện tử bao phủ 100% và tỷ lệ kinh tế số là 80%.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara chia sẻ, Chính phủ Lào cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội thông qua việc tăng tốc chuyển đổi số và áp dụng công nghệ. Năm 2021, tại Kỳ họp Quốc hội, Chính phủ Lào đã thông qua Tầm nhìn 20 năm về phát triển kinh tế số (2021-2040), Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển quốc gia số 5 năm (2021-2025).
Kế hoạch phát triển nói trên đã đưa ra 8 ưu tiên chiến lược và 14 chương trình nhằm thúc đẩy cải thiện năng suất thông qua chuyển đổi số trong cả khu vực hành chính công và khu vực tư nhân cũng như khuyến khích hợp tác với các đối tác bên ngoài và các bên liên quan. Lào cũng đã cải thiện một số khuôn khổ quy định và chính sách để nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp kỹ thuật số và cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa và công ty khởi nghiệp tiếp cận các quỹ đầu tư và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp.