11:19 26/10/2007

Hợp tác xã nhà ở: Giải pháp cho người thu nhập thấp

Hồng Thoan

Hợp tác xã nhà ở là những tổ chức kinh tế - xã hội được thành lập với mục đích cung cấp nhà ở liên tục và lâu dài cho xã viên

Một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở Tp.HCM.
Một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở Tp.HCM.
Ngày 25/10, trong khuôn khổ Dự án phát triển hợp tác xã nhà ở tại Việt Nam do Trung tâm hợp tác xã Thụy Điển hỗ trợ triển khai, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã triển khai chương trình tiết kiệm nhà ở tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Xuân Hiên, Phó chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, cho biết: “Bên cạnh việc phát triển một số mô hình hợp tác xã mới, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam bắt đầu tập trung xây dựng mô hình hợp tác xã nhà ở - một mô hình mới chưa từng có ở Việt Nam”.

Hợp tác xã nhà ở là những tổ chức kinh tế - xã hội được thành lập với mục đích cung cấp nhà ở liên tục và lâu dài cho xã viên, những người có nhu cầu về nhà ở nhưng lại thiếu năng lực tài chính. Quỹ đất của hợp tác xã nhà ở sẽ được khai thác trên cơ sở 20% quỹ đất dành cho các đối tượng chính sách mỗi khi có một dự án mới.

Trên thế giới, mô hình hợp tác xã nhà ở đã xuất hiện từ vài chục năm nay và hoạt động rất hiệu quả ở hơn 50 quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc..., và Thụy Điển là quốc gia đang áp dụng thành công nhất mô hình này.

Bà Gun Britt - chuyên gia Thụy Điển - đại diện cho nhà tài trợ chương trình, đồng thời là thành viên Ban lãnh đạo của Liên minh hợp tác xã Quốc tế, cũng cho rằng những dự án hợp tác xã nhà ở được hình thành trong tương lai sẽ là nền tảng rất tốt đối với việc thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam.

Theo bà Britt, một hợp tác xã nhà ở hoạt động tốt phụ thuộc vào 3 yếu tố quan trọng, đó là: cần có một chương trình tiết kiệm nhà ở để mọi người cùng tham gia, xây dựng dự án với những ngôi nhà chất lượng tốt, có kế hoạch bảo trì bảo dưỡng tốt.

Dưới sự tư vấn của Trung tâm hợp tác xã Thụy Điển, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã lập kế hoạch triển khai thí điểm một chương trình tiết kiệm nhà ở trong hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam và mời một ngân hàng tham gia làm đối tác triển khai.

Tại Tp.HCM, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) được lựa chọn và tại Hà Nội là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á. Việc quản lý tiền tiết kiệm của thành viên được thực hiện thông qua ngân hàng một cách an toàn và chuyên nghiệp.

Để đảm bảo công bằng, dân chủ và khuyến khích những người có thu nhập thấp tham gia vào chương trình tiết kiệm nhà ở, mức tiết kiệm và cách tính điểm, xếp hàng tiết kiệm được Liên minh hợp tác xã Việt Nam thống nhất như sau: số điểm tối thiểu hàng tháng là 1 điểm - tương đương gửi tiết kiệm 100.000 đồng, và số điểm tối đa hàng tháng là 3 điểm (gửi tiết kiệm 300.000 đồng). Tất nhiên, người tiết kiệm có thể gửi nhiều hơn 300.000 đồng/tháng và số tiền dư sẽ dần chuyển thành điểm trong tương lai với tối đa 3 điểm/tháng (36 điểm/năm).

Hệ thống phần mềm tính điểm xếp hàng tiết kiệm theo thứ tự sẽ tạo cơ sở cho việc phân bổ các căn hộ của hợp tác xã, các căn hộ được bán dựa trên danh sách xếp hàng. Quyền ưu tiên mua nhà trước tiên sẽ dành cho những xã viên có thu nhập thấp, trung bình và thực sự có nhu cầu về nhà ở, có thu nhập ổn định, đồng thời có khả năng trả trước 30% tiền mua căn hộ, số tiền còn lại có thể trả dần theo thoả thuận với ngân hàng đối tác. Khi xã viên đã mua được nhà, số điểm tiết kiệm sẽ trở về 0, lúc đó xã viên được quyền tiếp tục tham gia tiết kiệm và tích luỹ điểm mới hoặc rút khỏi chương trình.

Hiện nay, Liên minh hợp tác xã Việt Nam đang thí điểm triển khai một dự án hợp tác xã nhà ở trên diện tích 6.000 m2 tại xã Thạnh Lộc, quận 12, Tp.HCM do Hợp tác xã Gia Phú làm chủ đầu tư. Dự kiến, cuối năm 2007 sẽ khởi công xây dựng và năm 2009 sẽ bán nhà cho các xã viên tham gia tiết kiệm nhà ở.

Ước tính, giá bán căn hộ của dự án này khoảng 4-5 triệu đồng/m2. Ông Nhật, Giám đốc dự án cũng cho biết: “Tại Hà Nội chúng tôi cũng đang xin cấp đất, khoảng cuối năm 2007 sẽ xong thủ tục và đến năm 2009 sẽ tiến hành xây dựng”.

Giải đáp câu hỏi của đại diện Hợp tác xã Phương Đông 4 về việc hợp tác xã này đang có quỹ đất thì có thể triển khai ngay mô hình hợp tác xã nhà ở hay không và những đối tượng nào sẽ được tham gia mua căn hộ, các chuyên gia Thụy Điển cho rằng trường hợp này giống như nhiều trường hợp khác tại Thụy Điển.

Vì vậy, Hợp tác xã Phương Đông có thể đưa quỹ đất vào chương trình hợp tác xã nhà ở và điều quan trọng là cần phải thảo luận để đi tới cam kết là ít nhất 50% số căn hộ phải được bán cho những xã viên trong Hợp tác xã Phương Đông, còn 50% số căn hộ còn lại dành để bán cho các đối tượng tham gia tiết kiệm nhà ở.

Kinh nghiệm của Thụy Điển chỉ rõ hợp tác xã nhà ở là một biện pháp tốt để biến Thụy Điển thành một quốc gia có phúc lợi xã hội tốt nhất thế giới bởi người có thu nhập trung bình và thấp dễ dàng được sở hữu một căn nhà thông qua sự hợp tác với những xã viên khác trong một dự án hợp tác xã nhà ở. Đặc biệt, sống trong khu nhà của hợp tác xã, xã viên có quyền ra quyết định thông qua sự hợp tác đóng góp ý kiến nhằm thúc đẩy các hoạt động có tính minh bạch, rõ ràng và bộ máy quản lý điều hành tốt nhất.

Xuất phát từ thực tế hiện nay, nhu cầu về nhà ở của mỗi cá nhân, gia đình đang ngày một tăng cao, kéo theo đó là giá nhà ở cũng tăng mạnh. Đối với đời sống xã hội thì việc quản lý các khu chung cư, khu nhà ở cũng đã và đang diễn biến khá phức tạp.

Vì vậy, mô hình hợp tác xã nhà ở ra đời được đánh giá là một hoạt động mang tính nhân văn cao, vừa đáp ứng nhu cầu có nhà ở của những người có thu nhập trung bình và thấp, vừa đáp ứng tiêu chí của một mô hình hợp tác xã tự quản trong quản lý các khu nhà ở của chính mình. Bởi khác với các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh nhà, hợp tác xã nhà ở sẽ do chính xã viên vừa là người sở hữu, vừa là người quản lý những căn nhà của hợp tác xã theo nguyên tắc dân chủ, công bằng và công khai.