HOSE chào đón luồng gió mới mang tên SHB
Cổ phiếu Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ chuyển sang giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) từ ngày 11/10 tới...
Niêm yết từ năm 2009 tại HNX và luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu có vốn hóa lớn và tính thanh khoản cao; cổ phiếu SHB tới đây sẽ “chuyển nhà” sang HOSE. Cùng với những câu chuyện ngày càng thú vị được kể trong thời gian qua, nhà đầu tư càng “háo hức” chờ đợi ngày mà “luồng gió mới” mang tên SHB chính thức xuất hiện trên HOSE.
LIÊN TIẾP NHỮNG CÂU CHUYỆN THÚ VỊ
Cổ phiếu Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ chuyển sang giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) từ ngày 11/10 tới.
Một bước tiến mà Đại hội đồng cổ đông SHB thông qua đầu năm nay chính thức định hình, trong loạt kế hoạch nổi bật đã và đang lần lượt được cụ thể hóa.
Một tháng trước đó, SHB cũng đã chính thức đạt thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần công ty trực thuộc - SHB Finance - cho Krungsri của Thái Lan (thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản). Thương vụ này dự kiến mang về khoảng 3.600 tỷ đồng theo hãng tin quốc tế Nikkei đề cập ngay sau khi thỏa thuận được ký kết.
Trước khi thương vụ bán vốn SHB Finance mang lại khoản thặng dư lớn, quy mô vốn điều lệ của Ngân hàng mẹ cũng đã có thêm bước bổ sung, qua kế hoạch trả cổ tức và hoàn tất vào tháng 6/2021, nâng lên 19.260 tỷ đồng.
Và trước thềm sự kiện chào sàn HOSE ngày 11/10 này, một kế hoạch lớn nữa của SHB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận: tiếp tục trả cổ tức 10,5% và đặc biệt là phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để gia tăng sức mạnh vốn điều lệ.
Lộ trình đã định, các bước lần lượt triển khai. Loạt kế hoạch trên diễn ra trong năm 2021, tạo nên một năm đặc biệt trong hành trình 12 năm niêm yết của ngân hàng thương mại này.
KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ MỚI
Tính chất đặc biệt của loạt kế hoạch trên không chỉ thể hiện ở tần suất các bước đi lớn, lại diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức bởi đại dịch Covid-19, mà quan trọng hơn ở giá trị nâng tầm và khẳng định vị thế mới của SHB.
Trong nước, SHB cũng là một ngân hàng thương mại điển hình trong đảm bảo lợi ích của cổ đông và nhà đầu tư xuyên suốt 12 năm niêm yết, khi đều đặn trả cổ tức ngay cả trong những năm đầu khó khăn sau sáp nhập Habubank.
Đáng chú ý, điểm đặc biệt tại cổ phiếu này và khá riêng trong nhóm ngành niêm yết là lợi ích đó càng gia tăng qua mỗi kỳ trả cổ tức gần đây. Nếu như một thực tế nổi bật trên sàn vừa qua và hiện nay là giá cổ phiếu nhiều NHTM suy giảm sau mỗi lần chia tách trả cổ tức hoặc phát hành thêm tăng vốn, thì tại SHB lại là những bước tăng trưởng nối tiếp, thậm chí thị giá còn cao hơn nhiều so với trước khi chia tách.
Tại thời điểm này, SHB đang đứng trước kế hoạch kép, cùng lúc thực hiện đợt trả cổ tức mới gắn với kế hoạch chào bán cổ phần tăng vốn. Với khác biệt trên, kỳ vọng mới mở ra: một mặt Ngân hàng gia tăng sức mạnh tài chính, mặt khác quy mô vốn hóa thị trường sẽ tiếp tục lên tầm vị thế cao hơn nữa.
Dĩ nhiên, để có được khác biệt trên, gia tăng được lợi ích cho cổ đông và nhà đầu tư, SHB đã có một quá trình lâu dài dồn lực xử lý những yêu cầu đặt ra sau sáp nhập Habubank mười năm trước, rồi nhanh chóng tất toán toàn bộ nợ bán sang VAMC trước đây, hoàn tất tuân thủ các chuẩn mực Basel II trước thời hạn và chủ động hướng tới cấp độ Basel III…
Song song với quá trình đó, kết quả kinh doanh của SHB trong năm 2020 và cập nhật các quý đầu năm nay đã và đang cho thấy sức tăng trưởng mới, tầm vị thế mới của một ngân hàng thương mại an toàn và hiệu quả.
LUỒNG GIÓ MỚI TRÊN HOSE
Kết quả kinh doanh khả quan đó gợi mở thêm góc nhìn về những đợt tăng giá ấn tượng của cổ phiếu SHB những tháng đầu năm nay.
Điển hình như cuối tháng 3 và trong tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những phiên giao dịch khó khăn, VN-Index có những bước giảm mạnh. Song, quãng giao dịch bùng nổ cả giá và lượng tại SHB được xem là một cảm hứng lan tỏa trên thị trường.
Diễn biến đó không ngẫu nhiên. Cổ phiếu này đã từng ngược dòng ấn tượng và tăng trưởng đột biến trong năm 2020, tạo những “điểm nổ” truyền cảm hứng cho nhà đầu tư tại những thời điểm thị trường chung khó khăn.
Dĩ nhiên cảm hứng và sức ảnh hưởng phải đến từ một cổ phiếu lớn. Với cổ đông và nhà đầu tư, SHB được mệnh danh là “Vua thanh khoản” bởi quy mô giao dịch hàng đầu trên thị trường suốt lịch sử 12 năm niêm yết.
Thống kê cho thấy, với vốn hóa hơn 50.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tương đương 18,38% tỷ trọng vốn hóa chung của HNX, SHB đã đóng góp bình quân khoảng 10% giá trị giao dịch của toàn sàn, có nhiều phiên đạt tới trên 30%. Trong những thời điểm bùng nổ, quy mô giao dịch tại SHB lên tới 50-70 triệu đơn vị, giá trị vượt mốc 1.000 tỷ đồng…
Với sức ảnh hưởng đó, đặc biệt ở sức tăng trưởng ấn tượng của giá cổ phiếu trong năm 2020 đến nay, dự báo SHB sẽ là một luồng gió mới, một cảm hứng mới trên HOSE khi bắt đầu chuyển sang niêm yết từ 11/10 tới.
Lịch sử giao dịch như đề cập ở trên là một cơ sở. Quan trọng hơn, bước sang sàn niêm yết mới, SHB có thêm điều kiện hấp thụ những động lực mới để lan tỏa thêm cảm hứng đó cho thị trường và nhà đầu tư. Bởi niêm yết tại HOSE là một trong những tiêu chí quan trọng thu hút các tổ chức đầu tư, các quỹ ETF… Và với những gì cổ phiếu này đã có và thể hiện, đây là một ứng viên của rổ VN30, cũng như các rổ chỉ số hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đó là kỳ vọng mới khi SHB chuyển sàn. Kỳ vọng hợp lý hay không còn tùy thuộc với những giá trị cơ bản của doanh nghiệp niêm yết. Ở đây, kỳ vọng gắn với một ngân hàng thương mại đang chuyển đổi mạnh mẽ, cả ở hiệu quả kinh doanh lẫn chiến lược hoạt động.
Năm 2021, SHB tiếp tục đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khả quan so với 2020; kết quả nửa đầu năm nay đang cho đúng tiến độ. SHB đã và đang có thêm những động lực mới từ các bước tăng vốn, gia tăng thêm sức mạnh tài chính với thặng dư thương vụ bán cổ phần SHB Finance, triển vọng có thêm sự đồng hành của cổ đông chiến lược nước ngoài sau bước khóa “room” sở hữu vừa qua…
Theo lãnh đạo SHB, bước chuyển chính thức giao dịch cổ phiếu trên HOSE cũng chính là mốc đánh dấu giai đoạn Ngân hàng tập trung toàn lực vào phát triển và chuyển đổi số với tầm nhìn tới năm 2030, để trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại và hiệu quả hàng đầu của khu vực.
Nhìn lại loạt kế hoạch đề ra đã, đang và sẽ tiếp tục cụ thể hóa, cùng nội lực đang không ngừng được tăng cường, mục tiêu với tầm nhìn trên của SHB được kỳ vọng cũng sẽ sớm hiện thực.