11:29 10/07/2009

HSBC “chê” chứng khoán Việt Nam đắt

Kiều Oanh

Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường lên điểm mạnh nhất ở châu Á trong quý 2 vừa qua, với chỉ số VN-Index tăng 60%

Theo HSBC, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư trong nước chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo HSBC, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư trong nước chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong báo cáo Vietnam Monitor ra ngày 8/7, Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) nhận định, sau thời kỳ phục hồi mạnh mẽ vừa qua, giá cổ phiếu Việt Nam đã trở nên đắt đỏ.

Theo các chuyên gia của HSBC, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường lên điểm mạnh nhất ở châu Á trong quý 2 vừa qua, với chỉ số VN-Index tăng 60%. Từ mức đáy ở tháng 3 tới mức đỉnh ở tháng 6, chỉ số này đã tăng tới 117%.

Các dữ liệu khác cũng chứng minh sự khởi sắc của thị trường. Giá trị vốn hóa của cả hai sàn Hà Nội và Tp.HCM đã phục hồi vượt mức 20 tỷ USD. Hiện đã có hai cổ phiếu có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD và 12 cổ phiếu có giá trị vốn hóa từ 500 triệu trở lên.

Tuy nhiên, báo cáo của HSBC cho rằng, sự gia tăng ấn tượng hơn cả diễn ra ở giá trị giao dịch. Số liệu đưa ra trong báo cáo cho thấy, trong tháng 6, tổng giá trị hàng ngày tại hai sàn đạt mức bình quân 166 triệu USD. Cá biệt có ngày, tổng giá trị giao dịch đạt mức 300 triệu USD.

Trong những ngày giao dịch ảm đạm tháng 2, tổng giá trị giao dịch bình quân ngày tại cả hai sàn chỉ đạt có vỏn vẹn 13 triệu USD.

Theo HSBC, sự phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư trong nước chứ không phải các nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu của báo cáo này cho thấy, khối ngoại là đối tượng mua ròng khiêm tốn trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5, với giá trị mua ròng 46 triệu USD. Sang tháng 6, khối ngoại lại chuyển sang bán ròng, với giá trị bán ròng 28 triệu USD.

Trong tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 6,8% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, so với mức bình quân 22% của năm ngoái.

HSBC nhận định, sự thống lĩnh của các nhà đầu tư nội với chiến lược đầu cơ đang là mối lo của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, do các nhà đầu tư nội đã đẩy giá cổ phiếu lên những mức kém hấp dẫn. Hệ số P/E (giá/thu nhập) của các cổ phiếu niêm yết trên sàn Tp.HCM hiện là 19,9 lần thu nhập của năm 2008.

Theo chuyên gia của HSBC, hiện chưa có những dự báo đồng thuận về lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng nếu giả sử EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) tăng 20% trong cả năm nay và năm tới, hệ số P/E của thị trường 12 tháng tới sẽ là 15,6 lần.

Mức P/E này cao hơn P/E tại các thị trường khác ở châu Á, như ở Trung Quốc, P/E của 12 tháng tới là 14,5 lần, ở Thái Lan là 10,8 lần, ở Indonesia là 12,8 lần…

HSBC cho rằng, với sự kém minh bạch về tình hình lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam, hệ số P/E trên là khá cao.

Theo các chuyên gia thực hiện báo cáo, trong bối cảnh, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam kỳ hạn 1 năm là 8,5% và giá nhà đất bắt đầu tăng trở lại, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng đang chuyển vốn sang các tài sản khác. Vì vậy, giữa tháng 6 vừa qua, đã có thời điểm VN-Index điều chỉnh giảm dưới mức 500 điểm.

Cuối cùng, báo cáo của HSBC khuyến nghị, với mức biến động mạnh trên của thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài chưa nên tham gia vào thị trường này ở những mức giá cổ phiếu như hiện nay.