10:59 12/01/2009

HSBC dự báo chứng khoán Việt Nam 2009

Kiều Oanh

Các chuyên gia của HSBC dự báo, mốc VN-Index cuối năm nay sẽ là 300 điểm

Các chuyên gia thực hiện báo cáo này cho rằng, năm 2009 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa đối với thị trường chứng khoán khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Các chuyên gia thực hiện báo cáo này cho rằng, năm 2009 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa đối với thị trường chứng khoán khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trong báo cáo Vietnam Monitor ra tháng 1/2009, Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) đã tổng kết thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008 và đưa ra 5 điểm cần lưu ý đối với thị trường trong năm nay.

Các chuyên gia của HSBC cũng dự báo, mốc VN-Index cuối năm nay sẽ là 300 điểm.

2008, thị trường Việt Nam "tệ" nhất châu Á

HSBC cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ngày càng trở nên nhỏ bé và không còn được giới đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều như trước đây. Năm 2008, tính theo USD, VN-Index sụt mất 69%, mức giảm tồi tệ nhất trong số các thị trường chứng khoán ở châu Á. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á, trừ Nhật Bản, chỉ giảm có 53% trong năm qua. Trong 6 tuần cuối năm, các thị trường thuộc chỉ số MSCI châu Á - trừ Nhật - phục hồi 23%, trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 6%.

Các chuyên gia thực hiện báo cáo nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ra khỏi tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư tổ chức của nước ngoài. Hiện không có một doanh nghiệp nào niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD mà các nhà đầu tư nước ngoài còn có thể mua thêm cổ phiếu. Trên thực tế, chỉ có 5 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa từ 500 triệu USD trở lên là vẫn còn “room” cho các nhà đầu tư ngoại rót vốn. Tuy nhiên, những cổ phiếu này chỉ phù hợp với những quỹ đầu tư quy mô nhỏ.

Khối lượng giao dịch trên thị trường cũng tiếp tục sụt giảm. Tại sàn Hà Nội, giá trị giao dịch trong tháng 12 chỉ ở mức bình quân 14 triệu USD mỗi ngày.

Với những phân tích trên, HSBC cho rằng, sự chú ý của giới đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh trong mấy tháng gần đây. Từ tháng 9 tới nay, khối ngoại luôn là lực lượng bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với tổng lượng bán ròng là 127 triệu USD. Hoạt động bán ra của các nhà đầu tư ngoại trong tháng 12 có chậm lại, tuy nhiên, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều đã bán hết cổ phiếu Việt Nam, trừ các quỹ đầu tư chuyên về thị trường này.

Trong vụ IPO của Ngân hàng Vietinbank hồi tháng 12 - vụ IPO lớn nhất ở Việt Nam trong 12 tháng qua - chỉ có 3 nhà đầu tư ngoại chào mua.

Trong báo cáo mới nhất về thị trường châu Á dành cho quý 1/2009, HSBC giảm tỷ lệ khuyến nghị cổ phiếu Việt Nam trong danh mục đầu tư xuống mức 0%. Các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng, ngay cả khi các nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu muốn đầu tư rủi ro trở lại, các thị trường khác ở châu Á vẫn sẽ hấp dẫn hơn thị trường Việt Nam. Tính minh bạch hạn chế trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, cũng như những hạn chế trong chính sách vĩ mô của Việt Nam năm 2008 khiến giới đầu tư nghi ngờ về tính hấp dẫn dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Mặt khác, việc Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vốn FDI và hoạt động xuất khẩu sẽ tạo nhiều áp lực cho nền kinh tế trong năm 2009. Báo cáo nhận xét, tinh thần doanh nghiệp và sức hấp dẫn về dân số của Việt Nam sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tới một lúc nào đó sẽ hấp dẫn trở lại, nhưng chưa phải là trong một vài quý tới đây.

5 yếu tố cần theo dõi

Vậy đâu là những yếu tố sẽ quyết định thị trường chứng khoán Việt Nam có thể có một năm 2009 thành công hơn?

Báo cáo HSBC có chỉ ra 5 yếu tố:

Thứ nhất là vấn đề lợi nhuận doanh nghiệp. Một vấn đề lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam là báo cáo tài chính kém minh bạch. Thực trạng này một phần bắt nguồn từ sự thiếu vắng những dự báo nhất quán do có quá ít các nhà phân tích theo dõi các công ty niêm yết. Ngoài ra, chỉ những báo cáo tài chính cuối năm mới được kiểm toán và những khoản hao hụt tài sản lớn bất thường thường chỉ được công bố vào cuối năm.

Thứ hai là các chương trình cổ phần hóa. Năm ngoái, từ sau vụ cổ phần hóa Vietcombank vào cuối năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam gần như vắng bóng những vụ cổ phần hóa lớn. HSBC vẫn giữ quan điểm cho rằng, việc IPO những doanh nghiệp lớn trong một số ngành công nghiệp chủ chốt của Việt Nam như dầu khí, viễn thông và ngân hàng - nếu được tổ chức tốt và có mức giá hợp lý - sẽ thu hút được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại. Vụ IPO của Mobifone diễn ra vào nửa đầu năm nay có thể là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu cho những gì sẽ xảy đến.

Thứ ba là lãi suất ngân hàng có giảm mạnh thêm nữa hay không? Mặc dù lãi suất cơ bản VND thời gian qua liên tục được giảm mạnh, nhưng lãi suất trên thị trường vẫn còn ở mức khá cao. Mặt khác, các quan chức Chính phủ vẫn đề cập thường xuyên tới những rủi ro lạm phát. (Tuy nhiên, ở phần dự báo vĩ mô, HSBC cho rằng, lạm phát ở Việt Nam sẽ giảm về mức 5% vào giữa năm nay, sau đó tăng dần trở lại. Báo cáo cũng cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể chỉ đạt 5,4%, thấp nhất trong 10 năm). Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường ngân hàng đang là 5%, còn lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm là 10%. Báo cáo nhận định, thực trạng này khiến thị trường chứng khoán phần nào giảm bớt tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước.

Thêm vào đó, những lo ngại về sự mất giá của VND và sự thiếu USD ở Việt Nam cũng khiến giới đầu tư nước ngoài e dè.

Thứ tư, giá cổ phiếu có rẻ hơn hay không? Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục sụt giảm trong vòng hai năm trở lại đây, giá cổ phiếu vẫn chưa thể được xem là rẻ.

Hệ số P/E dựa trên các báo cáo kết quả kinh doanh công bố gần đây nhất là 9 lần. Giả định EPS năm nay giảm 10% và đứng yên vào năm tới, P/E của 12 tháng tới sẽ là 10,1 lần. Đây là mức P/E vào hàng trung bình ở châu Á: P/E của Indonesia là 8 lần, của Thái Lan là 7,2 lần. Với sự thiếu minh bạch trong vấn đề lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam, có lẽ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đợi hệ số P/E của thị trường Việt Nam giảm sâu mới đầu tư trở lại vào thị trường này.

Và thứ năm, liệu cơ chế đối với các nhà đầu tư trong nước có hấp dẫn hơn hay không? Một phần lý do dẫn tới sự ảm đạm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm 2008 là việc sẽ áp thuế thu nhập từ chứng khoán đối với các nhà đầu tư trong nước.

Nhìn chung, các chuyên gia thực hiện báo cáo này cho rằng, năm 2009 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn nữa đối với thị trường chứng khoán khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Thị trường Việt Nam có thể tăng mạnh và giảm mạnh ở một số thời điểm, nhưng sẽ hầu như không đạt thành quả vào cuối năm.

HSBC dự báo, cuối năm nay, VN-Index sẽ ở mức 300 điểm, so với mức 316 điểm ở thời điểm cuối năm 2008.