14:54 11/05/2025

Huế mạnh tay xử lý các dự án “đắp chiếu”, thu hồi đất sân golf nghìn tỷ

Nguyễn Thuấn

Trước tình trạng hàng loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm gây lãng phí đất đai và nguồn lực, thành phố Huế đang mạnh tay rà soát và xử lý dứt điểm các công trình chậm tiến độ, với động thái đầu tiên là thu hồi đất đối với dự án khu quần thể sân golf tại Thủy Dương.

 Một góc dự án Khu quần thể sân golf Huế. Ảnh Hà Nguyên
Một góc dự án Khu quần thể sân golf Huế. Ảnh Hà Nguyên

UBND thành phố Huế vừa ban hành Thông báo số 169/TB-UBND về việc thu hồi đất Dự án Khu quần thể sân golf Huế tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Đây là bước đi mạnh mẽ trong kế hoạch giải quyết dứt điểm các dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm qua.

Theo nội dung thông báo, Công ty Cổ phần Thiên An – chủ đầu tư dự án – được phép tiếp tục sử dụng đất thêm 24 tháng kể từ thời điểm dự án bị chấm dứt hoạt động (ngày 18/4/2025 đến hết ngày 18/4/2027) nhằm xử lý tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu sau thời hạn này, doanh nghiệp không hoàn tất việc xử lý, Nhà nước sẽ thu hồi đất mà không bồi thường cả đất lẫn tài sản trên đất.

Dự án sân golf Huế có quy mô hơn 78 ha với tổng vốn đầu tư lên tới 1.885 tỷ đồng, từng được kỳ vọng trở thành điểm nhấn du lịch nghỉ dưỡng phía Nam thành phố. Dự án được cấp phép từ năm 2007 và đã trải qua ba lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, các hạng mục như sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, câu lạc bộ trung tâm, khu biệt thự nghỉ dưỡng… vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào vận hành.

HÀNG LOẠT DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ

Tình trạng các dự án chậm tiến độ không chỉ dừng lại ở dự án sân golf Thủy Dương. Trên toàn địa bàn thành phố Huế hiện vẫn tồn tại nhiều dự án có số phận tương tự, trong đó có những công trình được khởi công cả chục năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện.

Tiêu biểu như dự án Khu du lịch suối Voi do Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế làm chủ đầu tư. Với diện tích gần 52 ha và mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, dự án dự kiến hoạt động từ năm 2021. Tuy nhiên, sau một vài hạng mục ban đầu, công trình đã "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua. Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp thành phố cho biết đang tiến hành rà soát để báo cáo UBND thành phố xin chủ trương thu hồi dự án trong quý II/2025.

Không chỉ ở nội đô, khu vực vịnh Lăng Cô – nơi được xem là một trong những điểm đến du lịch tiềm năng bậc nhất thành phố Huế cũng tồn tại nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng bị bỏ hoang.

Dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vinacoland đầu tư từng được khởi công từ năm 2016 trên diện tích gần 7 ha với vốn hơn 600 tỷ đồng. Sau thời gian đầu triển khai khá thuận lợi, dự án hiện rơi vào trạng thái “bất động” dù một số hạng mục phần thô đã được xây dựng xong.

Dự án khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải "bất động" nhiều năm nay
Dự án khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải "bất động" nhiều năm nay

Tương tự, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô được kỳ vọng trở thành tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn nhất khu vực cũng lâm vào tình trạng bỏ hoang. Được khởi công từ năm 2018 với diện tích lên đến 102 ha và mức đầu tư khoảng 368 triệu USD (khoảng hơn 9.000 tỷ đồng), dự án dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2024. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành một số dãy nhà thô và lắp đặt thiết bị ban đầu, toàn bộ công trình rơi vào trạng thái ngừng thi công, xuống cấp theo thời gian.

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ, LẤY LẠI NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN

Trước thực trạng nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ. Các cơ quan chức năng được giao trách nhiệm phối hợp tháo gỡ các nút thắt về thủ tục, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, qua đó đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đánh giá năng lực chủ đầu tư, làm cơ sở để ra quyết định tiếp tục, điều chỉnh hoặc thu hồi dự án theo đúng quy định pháp luật.

Việc mạnh tay xử lý các dự án "đắp chiếu" không chỉ nhằm giải phóng quỹ đất và nguồn lực, mà còn thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc tạo lập môi trường đầu tư nghiêm túc, hiệu quả, minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho thành phố Huế.