14:37 08/02/2025

Hướng đi nào cho du lịch canh nông?

Tường Bách

Những năm gần đây, nhiều địa phương đã nhanh nhạy cho ra đời loại hình du lịch mới làm phong phú thêm các sản phẩm được coi là truyền thống như du lịch đô thị, du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch di sản...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mô hình du lịch canh nông thời gian qua phát triển khá sôi nổi ở thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, thu hút lượng lớn du khách. Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 33 điểm du lịch canh nông được cơ quan chức năng công nhận. Tổng nguồn vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông của tỉnh này khoảng 377 tỷ đồng với diện tích hơn 300ha.

Ông Nguyễn Văn Trung (xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt), chủ vườn hoa cẩm tú cầu, cho biết gia đình ông là hộ tiên phong trong việc tổ chức bán vé, đón khách vào vườn hoa tham quan, trải nghiệm. "Trung bình mỗi ngày, gia đình đón khoảng 50 lượt khách với giá vé 50.000 đồng/lượt. Những ngày lễ, Tết, khu vườn đón hàng trăm khách tới trải nghiệm, cao điểm lên đến cả nghìn lượt người", ông Trung nói.

Tại xã này, nhiều hộ gia đình sản xuất dâu tây cũng mở cửa vườn đón du khách tham quan. Ông Trần Đức Nam, chủ một vườn dâu trong nhà kính công nghệ cao, cho biết việc thực hiện mô hình du lịch canh nông giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Hướng đi nào cho du lịch canh nông? - Ảnh 1

MÔ HÌNH TỰ PHÁT TẠI NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG

Tương tự, Đa Mi (Bình Thuận) cũng là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch canh nông với nhiều loại cây ăn trái thơm ngon có tiếng. Những năm qua, nhiều chủ vườn đã cho khách vào tham quan chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch trái chín và thưởng thức ngay tại vườn.

Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (thôn Đa Tro, xã Đa Mi) có hơn 2,5 ha với nhiều chủng loại trái cây như sầu riêng, măng cụt, bơ… Thời gian đầu, anh Sơn chỉ bán cho thương lái. Thế nhưng vài năm trở lại đây, anh đã kết hợp thêm làm du lịch, tăng thu nhập cho gia đình.

“Thường thì vào dịp cuối tuần hoặc khi vào hè, lượng khách đến đông. Đa phần là du khách trong tỉnh và các địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM… đi theo nhóm nhỏ bạn bè hoặc gia đình. Nhờ vậy, gia đình tôi không lo đầu ra của sản phẩm, nông sản vẫn được tiêu thụ tại chính vườn của mình”, anh Sơn nói. Cũng theo anh Sơn, để làm được mô hình này, đòi hỏi mỗi nhà vườn phải hướng đến sản xuất sạch, bởi du khách rất quan tâm đến vấn đề này.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 28 điểm khai thác du lịch nông nghiệp, tập trung ở 4 huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và Tánh Linh. Nhiều mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông ở những địa phương này đã phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Điển hình như, ở huyện Tánh Linh, du lịch gắn với các chuỗi sản phẩm: hạt điều, cá thát lát, đồ gỗ mỹ nghệ các loại. Các điểm du lịch trên địa bàn huyện Bắc Bình gắn với các chuỗi của sản phẩm như thịt bò một nắng, dưa lưới, dông thịt…

Hướng đi nào cho du lịch canh nông? - Ảnh 2

Trong khi đó tại Đắk Lắk, mùa thu hoạch cà phê thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, khi các vườn cây đã chín rộ. Đây cũng chính là thời điểm thu hút du khách khắp mọi miền đến với các tour du lịch trải nghiệm làm nông dân, cùng thưởng thức cà phê, cùng hòa vào không khí lao động vui tươi, rộn ràng của mùa cà phê chín. Nhiều chủ vườn cà phê ở TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đã nắm bắt cơ hội này mở các Farm Rẫy thu hút khách các nơi tìm về cùng trải nghiệm.

Là mô hình tự phát nhưng tại Đắk Lắk hiện nay trung bình mỗi tháng đón hàng chục đoàn khách trong và ngoài nước đến tham gia các tour trải nghiệm cà phê. Doanh thu du lịch từ vườn cây tăng thêm 10 – 15% cho nông dân.

NHỮNG “NÚT THẮT” CẦN THÁO GỠ

Thống kê của các hãng lữ hành, khoảng 80% du khách đến Đà Lạt muốn trải nghiệm du lịch canh nông. Tuy nhiên, tại các mô hình thí điểm trước đây, du khách chủ yếu nhìn ngắm, chụp hình sản phẩm. Thông tin nông nghiệp trong sản phẩm du lịch còn hạn chế.

Hồi tháng 10/2024, tại Hội nghị đánh giá kết quả đạt được và tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong phát triển du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh, bà Trần Thị Vũ Loan, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết: mô hình du lịch canh nông gần như thuộc quy hoạch đất là thuần nông nghiệp, nếu làm công trình kiên cố thì vi phạm trật tự xây dựng, còn làm công trình tạm thì luật Xây dựng cũng không quy định rõ về việc cấp phép, thời hạn, quy mô, đối tượng…

Hướng đi nào cho du lịch canh nông? - Ảnh 3

Sở VH-TT-DL Lâm Đồng thừa nhận, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành trung ương trong lĩnh vực này, dẫn đến quản lý loại hình này gặp nhiều khó khăn, phát sinh các vấn đề phức tạp nhất là quy hoạch sử dụng đất, tiêu chí về xây dựng, tỷ lệ công trình có mái che và không có mái che trên đất nông nghiệp…

Với Bình Thuận, phát triển du lịch canh nông được được xem là rất tiềm năng, thế nhưng trong quá trình triển khai, chưa có sự liên kết hoạt động giữa các tổ chức du lịch, các tour dẫn đến hiệu quả mô hình chưa được phát huy.

Ngoài ra, việc tận dụng các thế mạnh nông nghiệp để hình thành những mô hình nông trại sinh thái, du lịch canh nông kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm là một hướng đi hợp lý, nhưng tiềm ẩn phá vỡ quy hoạch vùng, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thực tế, du lịch nông thôn Việt Nam có ba loại hình cơ bản, bao gồm du lịch sinh thái, du lịch canh nông và du lịch cộng đồng. Các loại hình này không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Vừa qua, Việt Nam đã lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò và tiềm năng của mình trong việc phát triển du lịch nông thôn bền vững, đồng thời học hỏi và trao đổi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trên thế giới.

Hướng đi nào cho du lịch canh nông? - Ảnh 4

Theo giới chuyên gia, trong điều kiện Nhà nước đẩy mạnh phát triển nền kinh tế xanh, bền vững thì việc đưa khái niệm du lịch nông nghiệp và du lịch trải nghiệm nông nghiệp vào các văn bản pháp luật là một yêu cầu cấp thiết. Đây là hướng đi không thể bỏ qua của ngành du lịch mà còn giúp cụ thể hóa các chính sách về đất đai đã được pháp lý hóa, đồng thời tạo động lực cho các HTX, doanh nghiệp và người dân nông thôn nắm bắt được cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Nhằm phát huy hiệu quả du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn, các bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, nhất là vấn đề thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Mặt khác, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và cộng đồng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Sự liên kết này sẽ tạo điều kiện để cộng đồng nông thôn tham gia chuỗi giá trị du lịch và phát triển các tour, tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn. Cùng với đó, cần hỗ trợ, đào tạo để nâng cao năng lực kinh doanh cho các gia đình và doanh nghiệp. Việc quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng cần được thực hiện chuyên nghiệp, quy mô nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.