06:51 02/04/2024

Hút vốn 5-8 tỷ USD, nếu thị trường được nâng hạng

Tú Uyên

Trong cuộc trò chuyện với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA - Tổng Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư chứng khoán, VinaCapital, đã chia sẻ góc nhìn về mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi vào năm 2025 như kỳ vọng của Việt Nam...

Bà có nhận định như thế nào về quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025 của Chính phủ Việt Nam?

Ngày 28/2/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì triển khai Hội nghị nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Đây là Hội nghị quan trọng đối với định hướng và mục tiêu phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, tiếp theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Hội nghị này được các nhà đầu tư theo dõi sát sao và đã mang lại tâm lý tích cực cho thị trường chứng khoán.

Tại hội nghị này và trong Quyết định số 1726, Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025, giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý các vướng mắc thuộc trách nhiệm của ngành mình để đáp ứng được quy định tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán.

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng nhà đầu tư và các doanh nghiệp Việt Nam. Với nhà đầu tư trong và ngoài nước, đó là cơ hội để nâng cao giá trị các khoản đầu tư của mình. Với các doanh nghiệp niêm yết và chuẩn bị niêm yết, đó là cơ hội để thu hút thêm vốn phục vụ cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh với chi phí vốn rẻ hơn. Tôi rất hy vọng mục tiêu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi tổ chức FTSE Russell sẽ trở thành hiện thực trong năm 2025.

Theo bà, để thị trường chứng khoán Việt Nam được các tổ chức xếp hạng quốc tế (MSCI, FTSE Russell) xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025 như quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam cần phải làm gì, phải triển khai các giải pháp như thế nào?

Hiện Việt Nam còn một số tiêu chí chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nâng hạng của hai tổ chức MSCI và FTSE Russell, trong đó có hai tiêu chí cơ bản nhất đó là giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding).

 

Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, VinaCapital ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, và dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5-8 tỷ USD.

Về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại, theo Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đang có 25 ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và 59 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nên giảm bớt số lượng ngành nghề ở trong danh sách này đối với những ngành nghề không nhất thiết phải hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, việc phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) cũng sẽ giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư vào những doanh nghiệp đã chạm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Về yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), giải pháp trong ngắn hạn là cần lập ra quy trình hoặc cơ chế để các công ty chứng khoán có thể phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ ứng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ 100%. Về lâu dài, việc triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central Clearing Counterparty - CCP), trong đó ngân hàng lưu ký được là thành viên thanh toán bù trừ, sẽ giải quyết được vấn đề ký quỹ trước giao dịch.

Ngoài hai trở ngại lớn nêu trên, còn một số vấn đề khác cũng cần giải quyết để thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng như: thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài còn tốn nhiều thời gian; một số thông tin về doanh nghiệp, các quy định về pháp lý không có sẵn bằng tiếng Anh; một số hạn chế về mức độ tự do hóa trên thị trường giao dịch ngoại hối. Nếu giải quyết được tất cả những vấn đề nêu trên, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng.

Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi được rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức quốc tế quan tâm. Theo bà, kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 sẽ như thế nào, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được xem xét nâng hạng và ngược lại?

Những yếu tố về sự ổn định kinh tế - chính trị - xã hội, độ mở của nền kinh tế, cùng với các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của Việt Nam là chất xúc tác thúc đẩy các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam thay vì các thị trường khác. Khả năng nâng hạng của thị trường Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong thời gian tới cũng là một yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, VinaCapital ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0,7% đến 1,2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, và dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt 5-8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết cùng định giá cổ phiếu đang ở mức hợp lý cũng có thể giúp dòng tiền chảy vào thị trường trong năm 2024. Cụ thể, bộ phận nghiên cứu và phân tích đầu tư của VinaCapital dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết sẽ phục hồi từ không tăng trưởng trong năm 2023 lên mức tăng trưởng khoảng 17% trong năm 2024 và trên 20% năm 2025.

Với mức tăng trưởng lợi nhuận như trên, VinaCapital tính toán P/E của VN-Index sẽ về mức khoảng 11,4 lần cho năm 2024, theo số liệu vào cuối tháng 2/2024, thấp hơn khoảng 15% so với mức định giá của các thị trường tương đồng trong khu vực ASEAN.

Trong trường hợp ngược lại, nếu việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam bị trì hoãn, việc đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không kém phần hấp dẫn nhờ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và các doanh nghiệp trong cả ngắn và dài hạn. Dòng vốn vào thị trường chứng khoán không chỉ phụ thuộc mỗi việc nâng hạng, mà còn là mức định giá và triển vọng về lợi nhuận doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán thường diễn biến theo dự báo và kỳ vọng, do đó, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng ngay trong năm 2025, thì kỳ vọng về việc nâng hạng vẫn còn đó.

Thị trường chứng khoán sớm hay muộn cũng sẽ phải được nâng hạng. Tôi cho rằng việc trì hoãn nâng hạng trong một thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến diễn biến của thị trường.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2024 phát hành ngày 18/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hút vốn 5-8 tỷ USD, nếu thị trường được nâng hạng - Ảnh 1