17:19 13/01/2012

Hy Lạp bị thúc bán đảo để tránh vỡ nợ?

Hồng Ngọc

Nữ Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, hối thúc Hy Lạp bán 90% số đảo để tăng lượng tiền mặt, nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ

Mykonos là một trong những đảo thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Hy Lạp. Ảnh: Skyscrapercity.com.
Mykonos là một trong những đảo thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Hy Lạp. Ảnh: Skyscrapercity.com.
Nữ Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đã hối thúc Hy Lạp bán 90% số đảo của nước này để tăng lượng tiền mặt, nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ công đang ngày một phình lớn, trang Weekly World News cho biết hôm 11/1.

Trang trên dẫn một nguồn tin thân cận với bà Merkel cho biết, Hy Lạp không còn sự lựa chọn nào khác và họ cần phải bán các đảo của mình. Theo nguồn tin này, nữ Thủ tướng Đức còn muốn Chính phủ Hy Lạp bán lại cả quần thể nổi tiếng Acropolis.

Hy Lạp hiện là quốc gia sở hữu khoảng 6.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 227 đảo có người sinh sống. Bà Merkel muốn Hy Lạp bán 90% số đảo, trong đó có đảo Corfu, Santoni, Crete, Rhodes, Mykonos, Paros, Ios và Naxos.

“Hy Lạp phải bán các đảo và tài sản của họ, như Acropolis”, Jim Crawley, một quan chức cao cấp thuộc Quốc hội Anh cho biết trên tờ Weekly World News. Theo ông, bà Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, đã đưa ra tối hậu thư cho Hy Lạp.

Hiện Anh đã đề nghị mua lại đảo Corfu của Hy Lạp, nghị sỹ Jim Crawley cho biết. Những khách hàng tiềm năng khác trong thương vụ mua đảo còn có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, tỷ phú Donald Trump, tỷ phú Mark Zuckerberg.

Tuy nhiên, thông tin Đức thúc ép Hy Lạp bán đảo trả nợ có khả năng chỉ là tin đồn. Trang Weekly World News trước đây từng nổ như pháo khi đưa tin Mark Zuckerberg sẽ đóng cửa mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook kể từ ngày 15/3/2011.

Để thuyết phục người đọc tin là thật, trang này còn cho biết, Avrat Humarthi, Phó chủ tịch kỹ thuật của Facebook khuyên người dùng Facebook nên sao lưu hình ảnh thông tin của họ trên mạng này, nếu không sau hạn chót trên chúng sẽ bị xóa trắng.

Liên quan tới vụ bán đảo của Hy Lạp, năm 2010, tờ Guardian của Anh từng khiến dư luận bị sốc khi loan báo, Hy Lạp sẽ bán vài hòn đảo để trả một phần nợ công. Đặc biệt, một phần đảo Mykonos, điểm du lịch hàng đầu của Hy Lạp, cũng sẽ bị bán.

Tuy nhiên, vài ngày sau, George Petalotis, phát ngôn viên của Chính phủ Hy Lạp, đã gửi thư tới tờ Guardian để phản đối bài báo cho rằng quốc gia châu Âu này đang có kế hoạch bán đảo cho các nhà đầu tư nước ngoài để giải quyết khủng hoảng nợ.
 
"Tôi rất thất vọng về bài báo không chính xác của nhà báo Elena Moya. Thông tin Chính phủ Hy Lạp bán bất cứ hòn đảo nào là điều hoàn toàn không chính xác”, người phát ngôn Petalotis nhấn mạnh.
 
“Bài báo càng lệch lạc hơn khi cho rằng, Hy Lạp đang đàm phán với các nhà đầu tư Trung Quốc và Nga bán rẻ đất ở đảo Rhodes. Những giao dịch bất động sản thương mại này thực sự không liên quan tới chính phủ. Bài báo này đã dựa trên lời đồn vô căn cứ”.

“Ý kiến cường điệu cho rằng, Hy Lạp sẽ phải xem xét bán rẻ các đảo do không thể phát triển cơ sở hạ tầng hoặc không quản lý hết đều là sai sự thật và có tính xúc phạm”, bức thư của phát ngôn viên Chính phủ Hy Lạp nêu rõ.

Tuy nhiên, trên thực tế, giới chức ngân hàng châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tinh thần tham gia của khu vực tư nhân trong nỗ lực giải cứu Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công đang có xu hướng sụt giảm.

Nếu thỏa thuận với khu vực tư nhân không giúp giảm nhẹ gánh nợ của Hy Lạp thì các chính phủ Liên minh Châu Âu (EU) sẽ phải tăng phần đóng góp của mình, bằng không IMF có thể không sẵn sàng cam kết "bơm" thêm tiền cho Hy Lạp.

Hiện các chính phủ EU chưa đưa ra quyết định nào liên quan vấn đề này, song ý định của họ cắt giảm phần đóng góp cho Hy Lạp có thể khiến nhiều nhà đầu tư quay lưng với cam kết xóa nợ tự nguyện cho Hy Lạp.