14:17 07/06/2010

Hy Lạp “chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”

Huy Anh

Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang đối mặt với giai đoạn không tăng trưởng, còn Mỹ sẽ đương đầu với rắc rối tài chính

Nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái mới ở châu Âu.
Nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái mới ở châu Âu.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang đối mặt với giai đoạn không tăng trưởng nếu không suy thoái, và Mỹ sẽ đương đầu với rắc rối tài chính, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini nhận định.

Ông Nouriel Roubini, người đã nhận định chính xác về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Tages-Anzeiger của Thụy Sĩ rằng, có nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái mới ở châu Âu.

Theo ông, có thể có một cuộc khủng hoảng tài chính lần hai tại châu Âu, với những quốc gia không trả được nợ và buộc phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, cùng hàng loạt ngân hàng sụp đổ.

“Có nguy cơ đó, ít nhất là đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm, hướng về mức 0%. Dù không suy thoái thật sự, thì nó cũng gần giống như vậy. Hy Lạp chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, ông Roubini nhận định.

“Và người Mỹ cũng sẽ phải ứng phó với tình trạng tương tự, nếu tiếp tục cách hành xử như hiện nay”.

Các quốc gia như Tây Ban Nha và Hy Lạp hiện đang chịu áp lực về giảm chi tiêu và tăng thuế để có thể tiếp cận được với thị trường vốn, cho dù là không tăng trưởng.

Ông Roubini cho rằng, nếu các chính phủ này thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu quá sớm, họ có thể đối mặt với nguy cơ nhu cầu giảm sâu và kéo lùi quá trình phục hồi kinh tế.

Nhưng nếu họ trì hoãn, thì sẽ lại đối mặt với gánh nặng lãi suất và tình hình lạm phát trở nên tồi tệ hơn.

“Bạn sẽ bị thiệt hại nếu bạn tiết kiệm, nhưng bạn cũng vẫn bị thiệt hại nếu bạn không tiết kiệm”, ông nói.

Theo chuyên gia kinh tế này, việc đồng Euro giảm giá sâu hơn sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của châu Âu có sức cạnh tranh hơn và cho phép Đức tăng lương và sức mua nội địa để kích thích xuất khẩu từ các quốc gia khác trong khu vực đồng tiền chung.

Chuyên gia Roubini nhận định, trong vòng 2 – 3 năm tới, châu Âu sẽ đối mặt với thời kỳ giảm phát, trì trệ và thất nghiệp cao kiểu Nhật. Nguy cơ này có khả năng xảy ra nhiều hơn là nạn lạm phát.