IBM hoàn tất thương vụ "thâu tóm" Red Hat giá 34 tỷ USD
IBM mua lại tất cả các cổ phiếu phổ thông đã phát hành và đang lưu hành trên thị trường của Red Hat với giá 190 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt
IBM Việt Nam vừa phát đi thông tin cho biết, đêm qua (giờ Hà Nội), IBM và Red Hat công bố đã hoàn tất thương vụ sáp nhập, theo đó IBM mua lại tất cả các cổ phiếu phổ thông đã phát hành và đang lưu hành trên thị trường của Red Hat với giá 190 USD/cổ phiếu bằng tiền mặt, tương đương tổng giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 34 tỷ USD.
Theo IBM, thương vụ này đã định hình lại thị trường điện toán đám mây dành cho các doanh nghiệp. Các công nghệ đám mây lai mở của Red Hat từ nay sẽ được kết hợp với quy mô và chiều sâu về mức độ đổi mới và chuyên môn về từng ngành kinh tế, cũng như sự dẫn đầu về kinh doanh của IBM tại hơn 175 quốc gia. IBM và Red Hat sẽ cùng nhau tăng tốc đổi mới, sáng tạo bằng cách cung cấp một nền tảng multicloud lai thế hệ tiếp theo.
Dựa trên các công nghệ nguồn mở, như Linux và Kubernetes, nền tảng này sẽ cho phép các doanh nghiệp triển khai, chạy và quản lý dữ liệu và ứng dụng tại chỗ một cách an toàn và trên private cloud (đám mây riêng) và multicloud (đa đám mây).
Ông Jim Whitehurst, Chủ tịch và CEO của Red Hat cho biết, nguồn mở đã trở thành tiêu chuẩn đương nhiên trong công nghệ, vì chỉ có nguồn mở mới tạo điều kiện cho các giải pháp này. Việc gia nhập IBM sẽ mang lại cho Red Hat cơ hội đưa những đổi mới, sáng tạo nguồn mở tới nhiều đối tượng hơn và mở rộng quy mô hơn.
Trước đó, tháng 10/2018, IBM tuyên bố đã đạt thỏa thuận mua lại công ty phần mềm Mỹ Red Hat với giá 34 tỷ USD. Thương vụ này là một phần trong nỗ lực của IMB nhằm mở rộng hoạt động khỏi mảng chính là phần cứng và tư vấn, nhảy vào những lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Đây được xem là vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của IBM. Dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành (CEO) Ginni Rometty, IBM trong những năm gần đây đã đẩy mạnh mảng thuê bao phần mềm, trong bối cảnh doanh số bán phần mềm chững lại và nhu cầu đối với các sản phẩm máy chủ kích thước lớn (mainframe) suy giảm.