IFC cho OCB vay 100 triệu USD
Gói tín dụng trung dài hạn 100 triệu USD từ IFC sẽ giúp OCB mở rộng các hoạt động cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Gói tín dụng trung dài hạn 100 triệu USD từ IFC sẽ giúp OCB mở rộng các hoạt động cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khoản vay này sẽ được ưu tiên dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Ngày 27/3/2018 tại TpHCM, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã thực hiện ký kết hợp tác về gói tín dụng 100 triệu USD và chương trình tư vấn thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng.
Gói tín dụng 100 triệu USD, có kỳ hạn 3 năm, gồm 57,16 triệu USD từ IFC và 42,84 triệu USD từ nhiều nhà tài trợ thông qua Chương trình danh mục đồng cấp vốn (MCPP) do IFC quản lý. Gói tín dụng trung dài hạn này sẽ giúp OCB gia tăng các khoản vay dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), đặc biệt khoản vay này sẽ được ưu tiên dành cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đồng thời giúp thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
SMEs chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Đây là nguồn tạo việc làm chính tại Việt Nam, sử dụng tới hơn một nửa lực lượng lao động và đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước. Song, khoảng 60% SMEs phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn, ước tính khoảng 21 tỷ USD.
Đặc biệt, OCB đặt mục tiêu sử dụng tối thiểu 50% khoản vay này để tài trợ cho các doanh nghiệp SMEs do phụ nữ làm quản lý, với sự hỗ trợ từ Quỹ Sáng kiến Tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi). We-Fi là một chương trình hợp tác nhiều bên với mục tiêu gỡ bỏ các rào cản về tài chính và phi tài chính mà các nữ doanh nhân tại các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.
Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông, ông Nguyễn Đình Tùng, SMEs có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đây là đối tượng khách hàng trọng tâm mà OCB đang hướng đến. Vì vậy, với gói tín dụng từ IFC, OCB cam kết mở rộng tín dụng hỗ trợ đến nhóm khách hàng này, giúp các doanh nghiệp phát triển, nâng cao hiệu suất kinh doanh trong điều kiện ngày càng cạnh tranh như hiện nay.
Cũng theo ông Tùng, dựa vào khoản vay nói trên, sắp tới OCB sẽ có những gói vay lãi suất ưu đãi thấp hơn thông thường khoảng 7%/năm và lãi suất này có thể cố định trong một khoản thời gian để tạo điều kiện cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ổn định về chi phí tài chính.
Cho đến nay, thông qua các ngân hàng thương mại, IFC đã cung cấp hơn 400 triệu USD cho các doanh nhân do phụ nữ làm chủ hoặc quản lý tại Việt Nam. Việt Nam là một trong ba thị trường lớn nhất của chương trình tài trợ cho phụ nữ của IFC.
Ông Vivek Pathak, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của IFC, cho biết: "Gói tài chính này với hợp phần huy động lớn được kỳ vọng sẽ có tác động xúc tác cho các hoạt động tài trợ cho phụ nữ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, vốn đang ở thời điểm quan trọng của quá trình huy động vốn tư nhân dài hạn nhằm phục vụ cho các mục tiêu quan trọng của đất nước như phát triển SMEs và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn của OCB trở thành ngân hàng hàng đầu về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam thông qua tìm kiếm các cơ hội mới và triển khai các giải pháp đổi mới nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tài chính của các SMEs".
Nằm trong khuôn khổ buổi Lễ ký kết, bên cạnh gói tín dụng 100 triệu USD, IFC còn cung cấp cho OCB "Chương trình Tư vấn phát triển tài trợ chuỗi cung ứng (SCF - Supply Chain Finance)" gồm 3 giai đoạn: Xây dựng mô hình vận hành chuỗi; Lựa chọn và tích hợp tảng công nghệ kết nối, Xây dựng sản phẩm và phát triển kinh doanh.
Với sự hỗ trợ của IFC, OCB sẽ xây dựng nền tảng điện tử phục vụ cho hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ việc cấp vốn cho các giao dịch thương mại một cách minh bạch và hiệu quả.
Được biết, quan hệ hợp tác giữa IFC và OCB bắt đầu từ năm 2011 với khoản tài trợ thương mại trị giá 20 triệu USD thuộc khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu của IFC. IFC đã cấp thêm cho OCB khoản vay 25 triệu USD vào tháng 3 năm 2012 và một khoản vay 10 triệu USD nhằm giúp OCB tăng khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương giải quyết các vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn.