IFC tích cực thử nghiệm công cụ đánh giá khả năng chống chịu của công trình tại Việt Nam
IFC hiện đang thực hiện 5 dự án thí điểm để thử nghiệm công cụ đánh giá Chỉ số khả năng chống chịu của tòa nhà (BRI) tại các vùng có vị trí địa lý khác nhau. Việt Nam hiện đang là quốc gia thứ 2 trên thế giới đang được thử nghiệm bộ công cụ này...
Ngày 27/3, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã tổ chức Hội thảo về “Chống chịu & giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu cho công trình xây dựng & Nghiên cứu về rủi ro khí hậu: Ví dụ điển hình của Việt Nam”, nhằm cập nhật việc áp dụng công cụ đánh giá Chỉ số khả năng chống chịu của công trình (BRI) do IFC phát triển tại Việt Nam và thảo luận chuyên sâu về thích ứng khí hậu trong môi trường xây dựng.
Theo nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Việt Nam của Ngân Hàng Thế Giới (WB), lũ lụt, nước biển dâng cao, nắng nóng, hạn hán, sạt lở đất là một trong những thảm họa thiên nhiên gây ra thiệt hại lớn nhất tại Việt Nam. Trong đó, 97% thiệt hại về tài sản hàng năm tại Việt Nam là do lũ lụt (tương ứng với 2.3 tỷ USD) và theo như dự báo vào năm 2023 thì con số này có thể tăng đến 3.6 tỷ USD. Tương tự, báo cáo của McKinsey & Company cũng chỉ ra rằng, thiệt hại về tài sản (nhất là trong ngành bất động sản xây dựng) ở TP. Hồ CHí Minh hiện đang là 1.5 tỷ USD và con số này sẽ tăng gấp 6 lần trong năm 2050.
Bà Nguyễn Thị Mai - Chuyên gia tư vấn tại Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhấn mạnh rằng BRI được phát triển bởi IFC sử dụng khung lập bản đồ rủi ro thiên tai và đánh giá khả năng chống chịu để đánh giá những rủi ro khí hậu tại một địa điểm cụ thể cho các dự án bất động sản, cũng như các biện pháp thích ứng đã được thực hiện. Sáng kiến này có thể giúp các chuyên gia phát triển các công trình, người mua nhà và các bên liên quan khác dễ dàng đánh giá, cải thiện và công bố khả năng chống chịu của một tòa nhà.
Với sự hỗ trợ của chính phủ Australia, dự án BRI tại Việt Nam đã xác định và tích hợp các bản đồ rủi ro thiên tai của quốc gia vào ứng dụng BRI. Công cụ BRI này áp dụng được với tất cả các loại hình công trình (bao gồm cả nhà ở đơn lẻ, các công trình, dự án thương mại...). Bộ công cụ BRI của IFC trong 2 - 3 năm trở lại đây được tập trung để thiết kế dựa trên chiến lược của Ngân Hàng Thế Giới để ứng phó với biến đổi khí hậu thế giới. "Hiện nay, BRI đang được thử nghiệm phát triển dưới dạng website để cho người dùng có thể dễ dàng sử dụng cho các công trình xây dựng để kiểm tra độ vững chãi của của các công trình đó trước các thảm họa thiên nhiên ,” Bà Mai cho biết
Việt Nam hiện đang là quốc gia thứ 2 trên thế giới đang được thử nghiệm bộ công cụ BRI. “IFC đang thử nghiệm công cụ BRI này bởi vì việc đánh giá công trình để chống chọi với biến đổi khí hậu rất phức tạp, chúng ta không thể đưa ra một đề bài/ phương án rồi nó có thể hoạt động ngay," Bà Mai cho biết. "Và chúng tôi cần phải thử nghiệm một cách kỹ càng tại Việt Nam trước khi thử nghiệm rộng rãi trên toàn thế giới,”.
Hiện nay, IFC cũng đang triển khai hai hoạt động chính để củng cố các chức năng cũng như công dụng của công cụ BRI: thứ nhất là cập nhật bản đồ cảnh báo rủi ro thiên nhiên tại Việt Nam; thứ 2 là thực hiện áp dụng BRI các dự án thí điểm thử nghiệm. "Những loại hình công trình mà IFC hướng đến là nhà ở chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, các khu công nghiệp," Bà Mai chia sẻ thêm. "Sau thời gian thử nghiệm bộ công cụ BRI, IFC cũng nhận thấy đây chính là lợi thế lớn cho thị trường Việt Nam khi mà Việt Nam có cơ hội được tiếp cần với bộ công cụ này sớm hơn so với các nước khác trên thế giới,"
Đáng chú ý, IFC hiện đang thực hiện 5 dự án thí điểm để thử nghiệm công cụ BRI ở các vùng có vị trí địa lý các nhau với các công trình khác nhau gồm: các dự án khách sạn ven biển, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án về giáo dục, dự án về công nghiệp. Các dự án này tập trung ở các địa điểm địa lý khác nhau vùng như Tây Bắc và Duyên Hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thử nghiệm được những dự án khác nhau ở các vùng có vị trí địa lý khác nhau tại Việt Nam trong thời gian tới,” bà Mai cho hay.
Sáng kiến BRI được giới thiệu lần đầu vào năm 2020 với Philippines là quốc gia thí điểm. Trong vòng 18 tháng, 1,8 triệu m2 diện tích sàn đã được BRI cam kết đánh giá để nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, Chương trình BRI sẽ tiếp nối thành công của chương trình chứng nhận công trình xanh Thiết kế Xuất sắc để Đạt Hiệu quả Cao hơn (EDGE) của IFC — là chương trình đã giúp tiết kiệm mỗi năm 4,1 triệu USD chi phí sử dụng điện và nước cho 77.000 cư dân và giảm phát thải 30.000 tấn khí nhà kính hàng năm kể từ 2015 đến nay.