15:02 31/10/2022

IMF: Châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại nhiều nhất khi thương mại toàn cầu bị chia cắt

Điệp Vũ

Một báo cáo được IMF công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể mất hơn 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) nếu thương mại bị gián đoạn...

Những dấu hiệu của phân tán trong thương mại toàn cầu đã nổi lên từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hồi năm 2018.
Những dấu hiệu của phân tán trong thương mại toàn cầu đã nổi lên từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hồi năm 2018.

Châu Á-Thái Bình Dương sẽ thiệt hại nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác nếu hệ thống thương mại toàn cầu bị chia cắt do căng thẳng địa chính trị - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo.

Một báo cáo được IMF công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể mất hơn 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) nếu thương mại bị gián đoạn trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ gần đây áp các biện pháp hạn chế về con chip đối với Trung Quốc và nếu hàng rào phi thuế quan trong các lĩnh vực khác tăng lên mức tương tự như thời chiến tranh lạnh.

Tỷ lệ mất mát GDP này cao gấp đôi mức dự báo thiệt hại bình quân toàn cầu trong cả năm mà IMF đưa ra.

Những ngành nghề tại các quốc gia châu Á phải thu hẹp vì thương mại suy giảm có thể chứng kiến tỷ lệ mất mát việc làm lên tới 7%, theo IMF.

“Khi chúng ta nói về những thay đổi đến từ bấp bênh thương mại gia tăng và từ việc có thêm những biện pháp hạn chế, rốt cục có thể sẽ là sự phân tán của thương mại và thế giới trở nên bị chia cắt”, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF, bà Krishna Srinivasan, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Singapore hôm thứ Sáu.

“Châu Á đang đối mặt với khả năng hứng chịu nhiều thiệt hại vì khu vực này là một mắt xích chủ chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong một thế giới bị phân tán, châu Á có nguy cơ mất mát nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác”, bà Srinivasan nói.

Những dấu hiệu của phân tán trong thương mại toàn cầu đã nổi lên từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hồi năm 2018. Tuy nhiên, những dấu hiệu đáng lo ngại hơn, như cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, đã xuất hiện trong thời gian gần đây. Các biện pháp trừng phạt áp lên Nga khiến cho bấp bênh xung quan quan hệ thương mại càng gia tăng - IMF nhấn mạnh.

Chỉ riêng sự bấp bênh mà chính sách gây ra cho thương mại, chứ chưa nói gì đến bản thân các hạn chế, đã có thể cản trở các hoạt động kinh tế vì sẽ khiến các doanh nghiệp trì hoãn các kế hoạch tuyển dụng và đầu tư, các công ty mới trì hoãn việc gia nhập thị trường - theo IMF.

Chẳng hạn, IMF phát hiện thấy rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung 2018 đã khiến đầu tư trên toàn cầu giảm khoảng 3,5% trong vòng 2 năm.

Ảnh hưởng của sự phân tán thương mại được cho là lớn hơn đối với các thị trường mới nổi ở châu Á và những doanh nghiệp có mức nợ cao. IMF cho biết nghiên cứu của định chế này tập trung vào ảnh hưởng của sự phân tán thương mại, nhưng căng thẳng địa chính trị còn có thể dẫn tới những hệ quả sâu sắc hơn, chẳng hạn sự tan rã của các mối quan hệ về tài chính.

“Sự phân tán tài chính có thể dẫn tới những tổn thất trong ngắn hạn và sự tan rã nhanh chóng của các trạng thái tài chính, và dẫn tới cả những tổn thất dài hạn từ việc mức độ đa dạng hoá suy giảm và tăng trưởng năng suất chậm lại do giám đầu tư trực tiếp nước ngoài”, báo cáo của IMF viết.

Định chế quốc tế này kêu gọi các quốc gia rút lại các hạn chế gây tổn hại cho thương mại và giảm bớt sự bấp bênh bằng cách liên lạc rõ ràng hơn về các mục tiêu chính sách.

“Trọng tâm lớn hơn có thể được đặt vào kỹ thuật số hoá, đầu tư vào giáo dục… nhưng quan trọng nhất vẫn là hợp tác quốc tế, vì chúng ta muốn tránh nguy cơ xảy ra sự phân tán… Việc quan trọng là chúng ta cần hành động ngay bây giờ và hành động cùng nhau”, bà Srinivasan nói.