Phe Cộng hoà nhượng bộ, trần nợ Mỹ tạm thời được nâng
Các nghị sỹ trong Thượng viện Mỹ ngày 7/10 nhất trí nâng trần nợ quốc gia, vào thời điểm chỉ 2 tuần trước khi nước này có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử...
Bất đồng về trần nợ - giới hạn đối với việc Chính phủ Mỹ có thể vay nợ bao nhiêu – không phải là một vấn đề mới trong nền chính trị Mỹ. Lần này, cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai đảng Cộng hoà và Dân chủ về vấn đề trần nợ đã khiến thị trường tài chính lo sợ. Một vụ vỡ nợ của Washington bị xem là thảm hoạ vì có thể đẩy nền kinh tế nước này rơi vào suy thoái và châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.
Những đề xuất nâng trần nợ mà Đảng Dân chủ - phe kiểm soát cả Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng – đưa ra gần đây đều bị Đảng Cộng hoà phản bác. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, ngày 7/10 nói rằng hai bên đã đạt một thoả thuận nâng trần nợ đến đầu tháng 12.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, nghị sỹ Cộng hoà Mitch McConnell, nói rằng cuộc đàm phán diễn ra “trong một tinh thần tốt đẹp” và tiếp tục kéo dài đến buổi tối cùng ngày theo giờ Mỹ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây đã nhiều lần cảnh báo nước Mỹ sẽ vỡ nợ nếu trần nợ không được nâng trước ngày 18/10. Nợ công của Mỹ hiện ở mức khoảng 28 nghìn tỷ USD, trong khi trần nợ là 28,4 nghìn tỷ USD.
Dự luật nâng trần nợ tạm thời vẫn cần được thông qua ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Đến đầu tháng 12, khi hết hạn dự luật vừa đạt được, Quốc hội Mỹ lại phải giải quyết vấn đề trần nợ để không xảy ra một cuộc vỡ nợ cấp quốc gia.
Do chi nhiều hơn số thuế thu được, Chính phủ Mỹ phải vay nợ để bù đắp phần thâm hụt ngân sách. Việc vay nợ này được tiến hành thông qua phát hành trái phiếu kho bạc. Trái phiếu Chính phủ Mỹ được xem là một trong những tài sản an toàn và đáng tin cậy nhất thế giới.
Vào năm 1839, Quốc hội Mỹ thiết lập một giới hạn vay nợ, tức trần nợ, đối với Chính phủ nước này. Trần nợ này đã được nâng hơn 100 lần để Chính phủ Mỹ có thể vay thêm. Việc nâng trần nợ đòi hỏi sự ủng hộ của cả hai đảng, và trong một số lần, việc này đã lâm vào bế tắc vì không bên nào chịu nhượng bộ bên nào.
Trong cuộc khủng hoảng trần nợ này lần của Mỹ, một số nghị sỹ Cộng hoà phản đối các đề xuất chi tiêu mà phe Dân chủ tìm cách “qua mặt” Đảng Cộng hoà. Trong khi đó, Đảng Dân chủ nói rằng việc nâng trần nợ là nhằm trả các khoản nợ hiện tại thay vì những khoản nợ trong tương lai, rằng các chính sách của Tổng thống Joe Biden chỉ đóng góp 3% vào số nợ công hiện có của Mỹ.