Iran bắt 17 công dân nghi làm gián điệp cho Mỹ
Công bố của Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và các nước phương tây leo thang
Bộ Tình báo Iran ngày 22/7 cho biết đã bắt giữ 17 công dân nước này với cáo buộc làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trong đó ít nhất một người sẽ bị xử tử, CNN cho biết.
"Các bị cáo đang thụ án trong tù đã khai về những lời hứa hấp dẫn của các quan chức CIA bao gồm được nhập cư sang Mỹ, một công việc phù hợp ở Mỹ và tiền bạc", theo tài liệu của Bộ Tình báo Iran gửi tới CNN. Cơ quan này cho biết nhiệm vụ của các gián điệp này là thu thập thông tin từ "các trung tâm cũng như cơ quan tình báo/kỹ thuật quan trọng của Iran".
Với tiêu đề "Số phận của những kẻ gián điệp", tài liệu của Bộ Tình báo Iran viết: "Những cá nhân này đã cố tình phản bội đất nước và từ chối bù đắp thiệt hại đã gây ra cho hệ thống tư pháp. Một số khác đã hợp tác một cách trung thực với cơ quan an ninh và chứng tỏ sự ăn năn của mình".
Công bố của Iran được đưa ra trong bối cảnh xung đột Mỹ - Iran leo thang. Gần đây, quan hệ giữa Anh và Iran cũng nóng lên khi hai bên liên tục bắt giữ các tàu chở dầu của nhau tại vùng eo biển Hormuz. Diễn biến mới nhất trên tuyến đường huyết mạch của vận tải dầu lửa quốc tế là vụ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran bắt tàu chở dầu mang tên Stena Impero của Anh hôm thứ Sáu tuần trước. IRGC cáo buộc tàu này "vi phạm các quy định quốc tế".
Phía Anh cảnh báo sẽ có các động thái mạnh mẽ để đáp trả Iran. Hội đồng Ứng phó Khẩn cấp (COBRA) của chính phủ Anh, đã tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày thứ Hai (21/7) để thảo luận về vấn đề này.
Động thái của Iran tại eo biển Hormuz diễn ra chỉ vài giờ sau khi căn cứ quân sự của lực lượng vũ trang và hải quân Hoàng gia Anh tại Gibraltar gia hạn thời gian giam giữ đối với một tàu chở dầu của Iran trong 30 ngày. Con tàu này, có tên Grace 1, bị hải quân Anh bắt giữ hôm 4/7 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của châu Âu về cấm vận dầu lửa đối với Syria.
Những vụ va chạm liên tiếp xảy ra gần đây ở eo Hormuz đang đặt khu vực này vào tình thế mong manh. Từ tháng 6 đến nay đã có một loạt vụ tấn công và bắt tàu chở dầu, bắn hạ thiết bị bay ở eo biển này. Tháng trước, ông Trump đã quyết định không kích Iran để trả đũa việc lực lượng Iran bắt rơi một thiết bị bay của Mỹ, nhưng hủy quyết định vào phút chót.
Mối quan hệ Mỹ - Iran ngày càng xấu đi kể từ khi ông Trump vào năm ngoái rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc vào năm 2015. Mỹ đã tái áp trừng phạt lên Iran nhằm buộc nước này phải đàm phán một thỏa thuận hạt nhân khác. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đặt mục tiêu siết xuất khẩu dầu của Iran về 0, nhưng Tehran tuyên bố vẫn sẽ xuất khẩu dầu bằng mọi giá vì đây là "nguồn sống" của Iran.