Iran đưa ra cảnh báo mới về hạt nhân
Căng thẳng hiện nay đang đẩy Mỹ và Iran tới bờ vực của một cuộc xung đột quân sự ở vùng Vịnh
Iran ngày 8/7 dọa sẽ tái khởi động các máy ly tâm hạt nhân và tăng cấp làm giàu uranium lên 20%, những động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân 2015.
Lời cảnh báo hạt nhân nói trên của Iran vượt xa những bước đi mà nước này đã triển khai những ngày gần đây, bao gồm tích trữ hạt nhân làm giàu ở cấp độ thấp nhiều hơn ngưỡng cho phép 300 kg và nâng cấp làm giàu hạt nhân trên giới hạn 3,67%. Cụ thể, người phát ngôn Behrouz Kamalvandi của Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (IAEO) ngày 8/7 nói rằng cấp độ làm giàu uranium của Iran đã vượt qua mức 4,5%.
Iran không đưa ra chi tiết cụ thể về việc nước này sẽ tiến xa tới đâu trong việc phá vỡ thỏa thuận hạt nhân, nhưng các chuyên gia phương Tây tin rằng Tehran có thể chế tạo một quả bom hạt nhân trong vòng vài tháng.
Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Quốc gia Iran, tướng Hossein Salami, khẳng định Tehran không theo đuổi vũ khí hạt nhân - Reuters đưa tin.
"Tại sao lại áp lệnh trừng phạt lên chúng tôi về vấn đề hạt nhân, trong khi thế giới biết rằng chúng tôi không hề theo đổi vũ khí hạt nhân. Thực ra, họ trừng phạt chúng tôi vì tri thức của chúng tôi", ông Salami nói. "Vũ khí hạt nhân không có chỗ trong thế giới Hồi giáo. Đạo Hồi không bao giờ cho phép vũ khí hủy diệt hàng loạt".
Mỹ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn với Iran, cảnh báo lãnh đạo nước này không nên đánh giá tháp về quyết tâm của Washington.
"Chiến dịch gây áp lực tối đa lên Iran của Tổng thống Donald Trump đang phát huy tác dụng", cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố. "Chúng ta mới chỉ bắt đầu. Mục tiêu của Tổng thống là một thỏa thuận mới đáp ứng tốt nhất các lợi ích của Mỹ".
"Iran không nên nhầm lẫn giữa sự kiềm chế của Mỹ với sự thiếu quyết tâm", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu.
Những lời đe dọa mới từ Iran đang đặt ra sức ép đối với các nước châu Âu nằm trong thỏa thuận hạt nhân. Châu Âu luôn yêu cầu Iran tuân thủ thỏa thuận cho dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, hứa sẽ giúp Iran đảm bảo lợi ích kinh tế cho dù nước này phải chịu sự trừng phạt của Washington. Iran đã đặt ra thời hạn 60 ngày cho châu Âu thực hiện lời hứa này, nếu không thỏa thuận sẽ sụp đổ.
Cả Mỹ và châu Âu đều không muốn chứng kiến Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ông Trump muốn đàm phán một thỏa thuận khác mà ông cho là có lợi hơn cho Mỹ, trong khi châu Âu cố gắng giữ cho thỏa thuận hiện tại không đổ vỡ.
Căng thẳng hiện nay đang đẩy Mỹ và Iran tới bờ vực của một cuộc xung đột quân sự ở vùng Vịnh. Tháng trước, ông Trump đã ra lệnh không kích Iran, nhưng rồi hủy kế hoạch vào phút chót.
Nếu Iran nâng cấp làm giàu hạt nhân lên 20%, thì đó là một động thái mạnh, bởi 20% là mức làm giàu uranium mà Tehran đã đạt được trước khi ký thỏa thuận hạt nhân 2015. Mức làm giàu 90% được cho là cần thiết để chế tạo bom hạt nhân.
Các nước châu Âu không ủng hộ việc Mỹ trừng phạt Iran, nhưng chưa thể tìm ra cách nào để giúp Iran tránh được sự trừng phạt này.
Một vấn đề khác khiến Iran bực bội với châu Âu là việc Anh cách đây ít hôm bắt một tàu chở dầu của Iran trên Địa Trung Hải. Anh nói con tàu này chở dầu tới Syria - một hành động vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 8/7 viết trên mạng xã hội Twitter rằng việc Anh bắt tàu chở dầu Iran chẳng khác gì hành động "cướp biển".
Phủ Tổng thống Pháp cho biết Tổng thống Emmanuel Macron đã cử một cố vấn cấp cao tới Iran vào ngày thứ Ba và thứ Tư để tìm cách giảm căng thẳng. Nhà Trắng cho biết ông Trump đã có cuộc điện đàm với ông Macron vào ngày thứ Hai để thảo luận về những nỗ lực nhằm khiến Iran không thể sở hữu vũ khí hạt nhân.