08:50 19/04/2007

Iran gọi thầu xây nhà máy điện hạt nhân

Trung Việt

Ngày 15/4, Iran đã gọi thầu xây hai nhà máy điện hạt nhân ở nước này trị giá 3,1 tỷ USD

Dự án năng lượng tại Iran vẫn thu hút sự quan tâm của các nước.
Dự án năng lượng tại Iran vẫn thu hút sự quan tâm của các nước.
Ngày 15/4, Iran đã gọi thầu xây hai nhà máy điện hạt nhân ở nước này trị giá 3,1 tỷ USD. Một số ngân hàng của Nga, châu Âu đã được mời tham gia các gói thầu này.

Phát biểu ý kiến trước giới báo chí, Giám đốc Sản xuất năng lượng hạt nhân của Iran A.Bakhsh khẳng định Iran sẽ tiến hành hai đợt bỏ thầu để xây hai lò phản ứng hạt nhân có công suất 1.000 MW và 1.600 MW ở Bushehr ở miền Nam nước này.

Doanh nghiệp châu Âu quan tâm

Ông Bakhsh cho biết, Cơ quan năng lượng nguyên tử Iran đã chính thức cung cấp tài liệu đấu thầu từ ngày 15/4 và thời điểm bỏ thầu hai dự án nói trên là ngày 8/8 năm nay. Iran đã liên lạc với một số ngân hàng của Nga và châu Âu về hai gói thầu này. Giá thành của hai lò phản ứng hạt nhân mới sẽ lần lượt là 1,4 và 1,7 tỷ USD.

Cũng theo ông Bakhsh, trong các cuộc gặp riêng, các đối tác châu Âu đã rất quan tâm tới việc tham gia đấu thầu hai dự án này của Iran, nhưng ông không công bố tên của doanh nghiệp châu Âu cụ thể. Ông này cũng quả quyết, mọi doanh nghiệp đều có thể tham gia đấu thầu, kể cả doanh nghiệp Mỹ - nước đang là đối thủ số 1 của Iran.

Tuyên bố xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân của Iran cho thấy, nước này không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân bất chấp việc LHQ đã thông qua hai nghị quyết trừng phạt họ. Iran hiện đã xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nặng công suất 40 MW tại Arak, miền trung nước này bằng công nghệ trong nước.

Nước này còn đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy điện hạt nhân khác công suất 360 MW, tại tỉnh tây nam Darkhovin và cho biết có kế hoạch xây dựng hệ thống các nhà máy điện hạt nhân có tổng công suất 20 nghìn MW năm 2020.

Từ năm 1979, Mỹ đã đơn phương trừng phạt Iran và gần đây, với việc liên tục áp dụng các nghị quyết mới trừng phạt Iran, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã tạo thêm điều kiện để chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush tăng cường cấm vận Iran, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và tài chính-ngân hàng.

Nhưng thực tế cho thấy, Mỹ dường như bất lực trong việc ngăn chặn nguồn vốn nước ngoài, kể cả từ các đồng minh của Mỹ là Anh và EU, đổ vào Iran, nhất là dự án năng lượng.

Các dự án dầu mỏ vẫn đắt hàng

Trong nửa cuối tháng 1, ngay trước khi Iran tổ chức hội nghị khách hàng tại Viên (Áo) để kêu gọi vốn đầu tư cho 17 gói thầu thăm dò và khai thác dầu mới tại Iran, Mỹ đã mở một chiến dịch vận động các công ty dầu khí thế giới tẩy chay hội nghị này.

Tuy nhiên, vẫn có hơn 200 đại diện đến từ 59 tập đoàn quốc tế tham dự hội nghị. Rốt cuộc hai tập đoàn dầu khí lớn Shell (Anh-Hà Lan) và Repsol (Tây Ban Nha) đã cùng ký kết một thỏa thuận phát triển mỏ khí đốt South Gas có tổng giá trị đầu tư 10 tỷ USD. Hai tập đoàn này đã đáp lại phản ứng của Bộ Ngoại giao Mỹ bằng lập luận rằng ký kết trên hoàn toàn hợp pháp theo luật của EU.

Tháng 2 năm nay, trong vai trò đối tác hãng Petrobras của Brazil đã cùng Repsol cũng xúc tiến một dự án đầu tư tại 3 giếng dầu với số vốn đầu tư 470 triệu USD, bất chấp việc Đại sứ Mỹ ở Brazil, Clifford Sobel, cảnh báo sẽ gây khó dễ cho các hoạt động của Petrobras ở vịnh Mexico.

Tháng 3, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề về kinh tế và năng lượng Daniel Sullivan đã gặp Bộ trưởng Dầu lửa Na Uy Roger Enorksen để thuyết phục Na Uy từ bỏ hoạt động đầu tư ở Iran để đầu tư vào Iraq. Tuy vậy, đề nghị từ phía Mỹ đã bị từ chối.

Tháng 1, Tập đoàn SKS của Malaysia đã ký với Iran một thỏa thuận phát triển hai mỏ khí đốt Golshan và Ferdows với tổng vốn đầu tư kỷ lục 16 tỷ USD. Như vậy, bất chấp việc Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Tom Lantos gây sức ép để chính quyền Bush đình chỉ các cuộc đàm phán về Hiệp định tự do thương mại với Malaysia, Chính phủ nước này vẫn ủng hộ các tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng ở Iran. Tom Lantos cũng tìm cách gây sức ép để Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt 3 bên Iran-Pakistan-Ấn Độ (IPI) trị giá 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, nếu như sức ép của Mỹ trong việc ngăn chặn các tập đoàn quốc tế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Iran không đem lại thành công như mong đợi thì các mối đe dọa mà Mỹ nhằm vào các công ty tài chính và ngân hàng của Iran lại khá hiệu quả. Lý do là các công ty nước ngoài không muốn gặp trở ngại trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu có trụ sở tập trung tại Mỹ.

Cũng trong chiến dịch ngăn chặn Iran tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài, Washington đã tăng cường sức ép đối với các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhằm cắt đứt việc cung cấp quỹ tín dụng hoặc bảo lãnh xuất khẩu cho Iran.

Kết quả là Pháp, Đức và Nhật Bản đã cam kết thực hiện yêu cầu này trong năm nay. Trong năm 2005, Iran đã nhận được từ OECD 22,5 tỷ USD trong các quỹ nói trên. Lệnh cấm vận của Mỹ cũng đã được gia tăng áp dụng đối với hệ thống tài chính và ngân hàng của Iran.