10:04 22/12/2008

Ireland giải cứu khẩn cấp 3 ngân hàng lớn nhất

Mai Phương

Ireland sẽ bơm 7,7 tỷ USD, vào ba ngân hàng lớn nhất của nước này để tránh sự đổ vỡ của hệ thống tài chính

Trụ sở của ngân hàng Bank of Ireland Plc tại Dublin.
Trụ sở của ngân hàng Bank of Ireland Plc tại Dublin.
Ireland vừa quyết định sẽ bơm 5,5 tỷ Euro, tương đương 7,7 tỷ USD, vào ba ngân hàng lớn nhất của nước này để tránh sự đổ vỡ của hệ thống tài chính tại đây.

Thị trường tín dụng đóng băng là nguyên nhân chính đẩy các ngân hàng hàng đầu của nước này tới nguy cơ sụp đổ cận kề.

Theo kế hoạch giải cứu này, Chính phủ Ireland chi 1,5 tỷ Euro để đổi lấy 75% cổ phần ưu đãi với quyền bỏ phiếu của ngân hàng Anglo Irish. Hai ngân hàng được cứu trợ còn lại là Allied Irish Banks Plc và Bank of Ireland Plc, mỗi ngân hàng có được 2 tỷ Euro từ Chính phủ và “cái giá phải trả” là 25% cổ phần ưu đãi với quyền bỏ phiếu. Cả ba ngân hàng này cùng có trụ sở đặt tại Dublin.

Với cổ phần tại ngân hàng Anglo Irish, Chính phủ Ireland sẽ được hưởng mức cổ tức cố định 10%, còn ở hai ngân hàng kia, mức cổ tức là 8%.

Trước khi đi tới kế hoạch này, Chính phủ Ireland đã thúc giục các ngân hàng tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía các nhà đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, nguy cơ đổ vỡ quá lớn của các ngân hàng vì không thể vay được vốn đã khiến các nhà chức trách không thể trì hoãn việc dùng tiền thuế của dân để can thiệp.

Ngành ngân hàng tại Ireland điêu đứng do thị trường nhà đất lao dốc mạnh, khiến người vay tiền mua nhà và các công ty xây dựng ở đây không thể trả nổi nợ ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng vọt.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, Ireland là quốc gia đầu tiên tại châu Âu sử dụng biện pháp bảo lãnh mọi tài khoản tiền gửi ngân hàng cho người dân. Tuy nhiên, kể từ khi biện pháp này được công bố ngàh 30/9 vừa qua tới nay, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Ireland vẫn sụt giảm tới 72%.

Phát biểu trước báo giới về động thái giải cứu ba ngân hàng nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ireland nói: "Tôi đã luôn nói rõ là tôi sẽ không vội vã trong việc cấp vốn cho các ngân hàng. Các nước khác đã hấp tấp trong việc này và mắc phải sai lầm".

(Theo Bloomberg)