Jack Ma tin vào blockchain, nhưng không tin Bitcoin
“Không có bong bóng blockchain, nhưng đang có bong bóng Bitcoin”, nhà sáng lập Alibaba nói
Đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới Bitcoin đang ở trong tình trạng bong bóng, cho dù công nghệ chuỗi khối (blockchain) của tiền ảo có sự hứa hẹn lớn về bảo mật và bảo đảm an toàn - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch "đế chế" thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, ông Jack Ma, nhận định.
"Không có bong bóng blockchain, nhưng đang có bong bóng Bitcoin", tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SMCP) dẫn lời ông Jack Ma tại Diễn đàn Trí tuệ Thế giới (WIC) diễn ra ở Thiên Tân, Trung Quốc hôm 16/4.
Sau khi giảm dưới mốc 6.000 USD hồi đầu năm nay, giá Bitcoin đã dần hồi phục. Lúc hơn 14h chiều ngày thứ Sáu theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu trên trang Coinmarketcap đứng ở 8.047 USD. Tuy vậy, mức giá này vẫn chưa bằng một nửa so với mức kỷ lục gần 20.000 USD/Bitcoin thiết lập vào tháng 12 năm ngoái.
"Cá nhân tôi khá lạc quan về blockchain", ông Jack Ma nói về công nghệ sổ cái số hậu thuẫn Bitcoin. "Alibaba đã tiến hành nghiên cứu blockchain được vài năm".
Năm ngoái, Alibaba - công ty có cổ phiếu niêm yết tại thị trường chứng khoán New York - dẫn đầu thế giới về số đơn xin cấp bằng sáng chế liên quan đến blockchain, theo dữ liệu của IPRdaily.
Theo đó, trong năm 2017, Alibaba có 43 đơn xin cấp bằng sáng chế blockchain, tiếp theo là ngân hàng Bank of America với 33 đơn xin cấp bằng sáng chế trong lĩnh vực này.
Blockchain cung cấp một cơ sở dữ liệu trực tuyến phân bổ của những giao dịch được mã hóa mà nhiều bên chia sẻ với nhau và tất cả mọi người đều có thể tin tưởng. Nhờ đó, blockchain cho phép kiểm toán toàn diện các giao dịch tiền ảo. Công nghệ này cũng được áp dụng để chống hàng giả, hàng nhái trong chuỗi cung ứng của ngành sản xuất và tạo điều kiện cho dịch vụ tài chính thương mại tại các ngân hàng.
Jack Ma nói ông xem blockchain là một giải pháp an ninh và bảo mật, và không bao giờ nghĩ đến việc tìm đến với những thứ như Bitcoin để tìm kiếm lợi nhuận.
"Một số mạng xã hội có thể không cần blockchain, nhưng trong lĩnh vực tài chính trực tuyến, chúng ta phải xử lý hàng nghìn tỷ giao dịch", ông Jack Ma nói. "Khi đó, chúng ta cần đến blockchain".
Quan điểm của Jack Ma, một trong những tỷ phú giàu nhất châu Á, về blockchain và tiền ảo phù hợp với những động thái gần đây của Chính phủ Trung Quốc.
Bắc Kinh đã nâng tầm blockchain khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa công nghệ này trở thành một phần của chính sách cấp nhà nước. Năm 2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố blockchain được đưa vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 - lộ trình phát triển của Trung Quốc trong 5 năm đến năm 2020.
Trung Quốc đã đẩy mạnh áp dụng blockchain, khuyến khích các doanh nghiệp và viện nghiên cứu học tập và sử dụng công nghệ này, cho dù cơ quan chức năng Trung Quốc tiếp tục cấm các vụ phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) và các hoạt động liên quan đến tiền ảo tại thị trường trong nước nhằm ngăn chặn rủi ro tài chính.
Trong số đơn xin cấp bằng sáng chế blockchain trên toàn thế giới trong năm ngoái, hơn một nửa là từ Trung Quốc - theo dữ liệu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) có trụ sở ở Mỹ.
Sự chấp nhận rộng rãi mà blockchain nhận được ở Trung Quốc hiện nay cũng phản ánh đâu là nơi mà dòng vốn đầu tư mạo hiểm chảy vào nhiều nhất ở nước này. Trong quý 1 năm nay, 41% số công ty khởi nghiệp (startup) được rót vốn ở Trung Quốc là những công ty liên quan đến blockchain.
Ngày càng có nhiều công ty "kỳ lân" - startup có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD - ở Trung Quốc nắm bắt công nghệ blockchain để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, trong đó phải kể tới hãng điện thoại thông minh (smartphone) Xiaomi, hay các công ty chia sẻ xe đạp Ofo và Mobike.
Tuy vậy, hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner cho rằng phải đến năm 2025 thì các sáng kiến blockchain mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty hiện nay phải thử các dự án blockchain khác nhau để xác định liệu công nghệ này có mang lại giá trị cho họ, bao gồm khả năng gia tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí, cải thiện trải nghiệm người dùng…
"Blockchain đang là một thuật ngữ ‘nóng’, nhưng không phải công ty nào cũng có thể làm việc với công nghệ này", ông Jack Ma nói. "Quá nhiều người đang bán các sản phẩm liên quan đến blockchain, khiến tôi lo ngại".