10:49 31/01/2008

Kế hoạch của ông Bush có cứu được kinh tế Mỹ?

Quốc Trung

Kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói trị giá 146 tỷ USD do Tổng thống Bush đề xuất đã được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 29/1

Ông Bush kỳ vọng nhiều vào kế hoạch kích thích kinh tế mà ông khởi xướng.
Ông Bush kỳ vọng nhiều vào kế hoạch kích thích kinh tế mà ông khởi xướng.
Kế hoạch kích thích kinh tế trọn gói trị giá 146 tỷ USD do Tổng thống Bush đề xuất đã được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 29/1, với tỷ lệ phiếu ủng hộ áp đảo 385/35 phiếu chống.

Báo "Nước Mỹ ngày nay" công bố kết quả điều tra cho biết ngày càng nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ trong năm 2008 sẽ rơi vào suy thoái.

Tham vọng đảo ngược tình hình

Phát biểu với báo giới sau kết quả bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện, nữ Hạ nghị sỹ Dân chủ Nancy Pelosi bày tỏ hy vọng kế hoạch kích thích tài chính nói trên cùng với các đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ không chỉ đảo ngược đà tụt dốc mà còn giúp đưa nền kinh tế Mỹ sớm trở lại đà phát triển.

Theo kế hoạch của Hạ viện đã được thống nhất với Nhà Trắng, Chính phủ sẽ hoàn trả thuế cho tổng cộng khoảng 111 triệu hộ gia đình. Cá nhân những người đóng thuế sẽ được nhận lại 600 USD, các cặp vợ chồng sẽ được nhận lại 1.200 USD cộng với 300 USD cho mỗi người con. Khoảng 35 triệu hộ gia đình có thu nhập quá thấp không đóng thuế năm 2007 cũng sẽ được nhận 300 USD.

Tuy nhiên, khác với kế hoạch của Hạ viện, Thượng viện chủ trương hoàn trả thuế đồng đều 500 USD cho tất cả người Mỹ có mức thu nhập tối thiểu 3.000 USD/năm, 1.000 USD cho các cặp vợ chồng và cộng thêm 300 USD cho mỗi người con dưới 17 tuổi.

Kế hoạch của Thượng viện còn đưa thêm khoảng 20 triệu người già và người về hưu vào diện được hoàn thuế, cho dù số người này sống bằng quỹ an sinh xã hội. Đồng thời, Thượng viện còn muốn kéo dài thời hạn được hưởng phúc lợi xã hội đối với người thất nghiệp thêm 26 tuần. Đây là những chủ trương Nhà Trắng đã từng dọa sẽ bác bỏ.

Vì sự khác biệt nói trên, một số thượng nghị sĩ Mỹ tuyên bố họ sẽ đưa ra một kế hoạch sửa đổi. Nhưng Chủ tịch Hạ viện Pelosi cảnh báo Thượng viện không nên lần lữa và cũng không nên nhồi nhét thêm bất cứ điều kiện nào để gây trì hoãn kế hoạch này.

Nhiều dự báo bi quan về kinh tế Mỹ

Ông Scott Anderson, chuyên gia kinh tế cao cấp của tập đoàn Wells Fargo, nêu một số nguyên nhân khiến người ta ngày càng bi quan về nền kinh tế Mỹ: tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1/2008 đột biến tăng lên mức 5,0% so với mức trung bình 4,6% trong cả năm 2007; cuộc khủng hoảng tệ hại nhất trong 16 năm qua trong lĩnh vực địa ốc tiếp tục kéo dài; thị trường chứng khoán liên tục biến động trong khi các hoạt động cho vay ngày càng bị siết chặt do tình trạng nợ xấu.

Trong số 51 chuyên gia kinh tế hàng đầu của Mỹ được hỏi ý kiến trong thời gian từ 23-25/1/2008 có 50% nói rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2008. Đây là sự thay đổi so với kết quả điều tra hồi tháng 10/2007 khi mới chỉ có 30% các chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Dự đoán về việc liệu FED có tiếp tục giảm lãi suất hay không, có 55% số chuyên gia được hỏi ý kiến nhận định rằng trong cuộc họp định kỳ vào ngày 30-31/1, FED sẽ giảm thêm khoảng 0,5% lãi suất các khoản cho vay ngắn hạn giữa các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, kết quả điều tra của công ty RealtyTrac Inc. chuyên theo dõi về bất động sản cho biết số lượng nhà ở tại Mỹ nằm trong diện bị tịch thu gán nợ do chủ nhà không thể vay tiền để trả nợ tăng vọt. Đây là bằng chứng cụ thể về tình trạng nợ xấu cũng như những khó khăn của thị trường tín dụng thế chấp.

Cuộc điều tra cho thấy, trong cả năm 2007, trên toàn nước Mỹ có khoảng 1,3 triệu ngôi nhà có giấy báo bị tịch thu gán nợ, tăng 79% so với 717.522 ngôi nhà năm 2006. Như vậy tổng số nhà đã bị tịch thu gán nợ hoặc thuộc diện này trong vài năm qua đã lên tới 2,2 triệu ngôi nhà.

Trước thực trạng ảm đạm của kinh tế Mỹ, ngày 29/1, Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF), công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), trong đó giảm mạnh dự đoán về tốc độ phát triển của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2008 và cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 5 năm qua do ngày càng phải chịu nhiều áp lực tài chính bắt nguồn từ nước Mỹ.