18:42 21/10/2022

Kế hoạch tăng vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách của Agribank là không khả thi

Mục tiêu tăng vốn điều lệ 5 nghìn tỷ đồng mỗi năm của Agribank là không khả thi vì ngân sách hạn hẹp và cùng đó, ngân hàng cũng chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu này...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong báo cáo gửi lên Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước cho biết, việc thực hiện Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) không đạt được một số mục tiêu liên quan của phương án cơ cấu lại như tỷ lệ thu nhập phi tín dụng, mục tiêu khách hàng và thị phần, mục tiêu tăng trưởng tín dụng gắn liền với chất lượng tín dụng.

Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh, mục tiêu tăng vốn điều lệ của Agirbank chưa đạt được do xây dựng mục tiêu không khả thi mặc dù đã có khuyến nghị từ Ngân hàng nhà nước. Chẳng hạn, Agribank đưa ra mục tiêu vốn điều lệ tăng trên 5.000 tỷ đồng/năm.

Phản hồi, Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến tại mục IV.2, văn bản số 2088/TTGSNH4.m với nội dung “cần xem lại cơ sở để đưa ra kế hoạch tăng vốn bình quân hàng năm là 5.000 tỷ đồng vì hiện nay tăng vốn từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước là rất khó khăn và không khả thi”.

Bên cạnh đó, tại mục IV.3, Ngân hàng Nhà nước cho rằng Agribank đưa ra mục tiêu tăng vốn điều lệ bình quân là 5.000 tỷ đồng một năm với nguồn tăng chủ yếu từ ngân sách nhà nước cấp. Nhưng hiện việc tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước là rất khó khăn và không khả thi. Do đó, Agribank cần chủ động xây dựng các giải pháp khác hoặc điều chỉnh tăng vốn cho phù hợp.

 

“Cần xem lại cơ sở để đưa ra kế hoạch tăng vốn bình quân hàng năm là 5.000 tỷ đồng vì hiện nay tăng vốn từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước là rất khó khăn và không khả thi”.

(Văn bản số 2088/TTGSNH4.m của Ngân hàng Nhà nước) 

"Tuy nhiên, đến nay khi chỉnh sửa phương án cơ cấu lại trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Agribank vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng vốn điều lệ hàng năm là 5.000 tỷ đồng và chưa có giải pháp, lộ trình cụ thể để đánh giá tính khả thi của việc đạt được mục tiêu", báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Trước đó, như VnEconomy đã đưa, một trong những nội dung được Ngân hàng Nhà nước nêu trong báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi về Quốc hội là việc cố gắng nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng. Đặc biệt là việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.

Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ. VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án. Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng. 

Còn BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.

Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 15 ngân hàng thương mại cổ phần. Trong đó, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).