15:48 25/10/2022

Kéo giật trụ đợt ATC, nỗ lực “tái chiếm” mốc 1.000 điểm vẫn chưa thành công

Kim Phong

Khoảng cách tới mốc tâm lý 1.000 điểm còn rất hẹp khi VN-Index chốt phiên sáng đã tới 997,7 điểm. Nếu vượt trở lại mốc này, thị trường sẽ củng cố tâm lý rằng “tin xấu đã ra”, nhưng để “tái chiếm” thành công, cần có dòng tiền mạnh hơn...

VN-Index thực tế bị xả ép xuống trong phiên chiều, chỉ 15 phút cuối mới được nâng đỡ từ trụ.
VN-Index thực tế bị xả ép xuống trong phiên chiều, chỉ 15 phút cuối mới được nâng đỡ từ trụ.

Khoảng cách tới mốc tâm lý 1.000 điểm còn rất hẹp khi VN-Index chốt phiên sáng đã tới 997,7 điểm. Nếu vượt trở lại mốc này, thị trường sẽ củng cố tâm lý rằng “tin xấu đã ra”, nhưng để “tái chiếm” thành công, cần có dòng tiền mạnh hơn.

Vài phút ngay đầu phiên chiều, lực cầu mạnh thêm ở nhóm trụ, đẩy vọt chỉ số lên 1.011,39 điểm, tăng 2,56% so với tham chiếu. Tuy nhiên sự rã đám trong nhóm nhà đầu tư cầm cổ một lần nữa cho thấy niềm tin đang là thứ “xa xỉ”: Lực bán tăng mạnh trở lại có lúc đẩy VN-Index quay về vùng đỏ, trước khi vài trụ được kéo đợt ATC, đưa chỉ số tăng 11,55 điểm tương đương 1,17%, lên 997,7 điểm.

Hôm nay có thể coi là lần đầu tiên thị trường nỗ lực giành lại một mốc hỗ trợ tâm lý đã bị gãy. Có lẽ thị trường cần thêm thời gian để “dứt điểm”, nhưng vẫn đề chính là sự thiếu đồng thuận.

Nếu không có VIC, VHM, NVL bất ngờ nhảy giá mạnh phiên ATC thì khả năng cao VN-Index vẫn giảm điểm hôm nay. NVL đang từ giá 72.800 đồng tăng vọt lên 75.000 đồng, tức là tăng tới 3% trong lần giao dịch cuối, đóng cửa trên tham chiếu 0,81%. VIC được kéo từ giá 53.100 đồng lên 56.100 đồng, tăng tới 5,65% và thu hẹp mức giảm so với tham chiếu xuống còn 0,71%. VHM đang từ 41.800 đồng nhảy vọt về tham chiếu 44.600 đồng, tăng 6,95%. Các cổ phiếu này đều xuất hiện khối lượng giao dịch khá lớn ở đợt ATC cho thấy lực kéo giá là rất mạnh.

Dù có diễn biến bất thường nói trên thì nhìn chung thị trường hôm nay đã dứt áp lực bán tháo, trở lại trạng thái giằng co. Độ rộng của VN-Index cuối ngày ghi nhận 199 mã tăng/247 mã giảm. VN30 vẫn đủ tốt với 20 mã tăng và 6 mã giảm, trong đó CTG tăng kịch trần. Chỉ số đại diện rổ kết phiên tăng 1,81%, vẫn là tốt nhất trong các nhóm, khi Midcap tăng 0,91%, Smallcap giảm 1,06%.

Nhóm cổ phiếu tài chính khá nổi bật cuối phiên.
Nhóm cổ phiếu tài chính khá nổi bật cuối phiên.

Nhóm ngân hàng vẫn rất tốt, thậm chí mạnh hơn trong buổi chiều. Chỉ còn VAB, VBB, NVB, SGB là giảm. Trong khi đó LPB, CTG, SHB kịch trần. Nhóm MBB, ACB, BID, VCB, VIB tăng 2%-5%. Tới 6/10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho VN-Index là thuộc nhóm ngân hàng.

Những cổ phiếu lớn khác cũng khá như SAB tăng 3,76%, VNM tăng 2,7%, HPG tăng 4,27%, MSN tăng 3,02%. Tiếc nhất là GAS, VHM, TCB không thể mạnh thêm để vượt qua tham chiếu, nếu không VN-Index đã chiếm lại được mốc 1.000 điểm.

Chiều nay nguồn lực giữ giá đã không còn tốt như buổi sáng và biến động trong đợt ATC là tích cực nhất. Ngay khi mở cửa trở lại, VN-Index được vài trụ kéo vọt qua 1.000 điểm nhưng toàn bộ thời gian còn lại là trượt giảm. Đến 2h25 chỉ số đã “đỏ” hơn 7 điểm và kết thúc đợt liên tục vẫn giảm 1,5 điểm. Thanh khoản chiều nay sụt giảm tới 22% so với phiên sáng, chỉ đạt 5.253 tỷ đồng. HoSE cũng giảm 22% so với phiên sáng, đạt hơn 4.849 tỷ đồng.

Thanh khoản thấp phần nào cho thấy nhà đầu tư đã trở nên ngại mua giá cao hơn. Thường buổi chiều sẽ có thêm lượng hàng mới về, nếu đang lỗ nặng thì khả năng sẽ bị bán đi. Áp lực bán tăng trong khi cầu suy yếu khiến giá cổ phiếu trượt giảm đáng kể. Rõ nhất là độ rộng, tại thời điểm VN-Index đạt đỉnh, có 261 mã tăng/176 mã giảm. Đến khi VN-Index rơi trở lại xuống vùng đỏ, độ rộng còn 158 mã tăng/298 mã giảm và đến hết phiên số giảm vẫn chiếm ưu thế.

Giá hồi lại rất dễ xuất hiện lực bán cắt lỗ là bình thường, vì mức lỗ đang tăng rất nhanh sau những ngày biến động lớn. Ngay cả với nhà đầu tư đang có sẵn cổ phiếu để lướt T+ thì lượng hàng cũ cũng đã lỗ sẵn. Trong khi đó áp lực tới thị trường lúc này vẫn là rủi ro tăng lãi suất sẽ còn tiếp diễn.