15:38 21/12/2023

Kéo xanh cuối phiên, đáo hạn phái sinh bình yên, khối ngoại vẫn xả lớn

Kim Phong

Hôm nay thị trường đón nhận phiên đáo hạn phái sinh, sự thận trọng vẫn không khác gì các phiên trước nhưng sức ép bán ra nhỏ là tiền đề cho khả năng đảo chiều. VN-Index leo dốc trong suốt phiên chiều nay và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, trên tham chiếu 0,15%. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE có thêm một phiên dưới 10 ngàn tỷ đồng...

VN-Index lại leo dốc trong phiên chiều.
VN-Index lại leo dốc trong phiên chiều.

Hôm nay thị trường đón nhận phiên đáo hạn phái sinh, sự thận trọng vẫn không khác gì các phiên trước nhưng sức ép bán ra nhỏ là tiền đề cho khả năng đảo chiều. VN-Index leo dốc trong suốt phiên chiều nay và đóng cửa ở mức cao nhất ngày, trên tham chiếu 0,15%. Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE có thêm một phiên dưới 10 ngàn tỷ đồng.

Không có trụ kéo rõ rệt nào chiều nay và cũng không có sự đột biến thường thấy trong ngày đáo hạn phái sinh. Độ rộng cải thiện cho thấy sự lan tỏa tăng giá và nền thanh khoản thấp vẫn là hiệu ứng của giảm bán. VN-Index cho tới tận 2h chiều vẫn còn 157 mã tăng/316 mã giảm, nhưng kết phiên là 214 mã tăng/246 mã giảm.

Thanh khoản phiên chiều trên HoSE tăng 32% so với buổi sáng, đạt 5.519 tỷ đồng. Dù vậy tính chung cả ngày, sàn này vẫn chỉ khớp được khoảng 9.699 tỷ đồng, phiên thứ 2 liên tiếp thanh khoản dưới ngưỡng 10 ngàn tỷ.

Điểm tích cực là dù mặt bằng thanh khoản khá nhỏ, những cổ phiếu thu hút dòng tiền tốt vẫn có kết quả khả quan: Trong 10 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường, chỉ có 3 mã giảm là STB giảm 1,3%, VND giảm 0,91% và SSI giảm 0,31%, HPG tham chiếu, còn lại toàn tăng. Dẫn đầu là DBC khớp 422 tỷ đồng, giá tăng 2,92%, DIG khớp 355 tỷ giá tăng 1,36%, HAG khớp 331,9 tỷ giá tăng 6,8%, PNJ khớp 297,8 tỷ giá tăng 4,48%.

Mặt bằng thanh khoản nhỏ luôn là biểu hiện của dòng tiền vận động chậm. Tuy nhiên giao dịch như vậy cũng không có nghĩa là tiền ít mà đúng hơn là cung cầu có khoảng cách khá xa nên không khớp được. Nhà đầu tư cầm tiền muốn giá giảm thêm nữa nên đặt mua giá thấp. Ngược lại, người cầm cổ không muốn bán giá thấp hoặc giữ hàng lại, nên áp lực bán không đủ để thay đổi các bước giá rộng. Kết quả của sự giằng cho chiến lược giữa hai bên là thị trường vận động đi ngang hẹp và thanh khoản nhỏ.

Diễn biến tăng giá vẫn áp đảo trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay.
Diễn biến tăng giá vẫn áp đảo trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường hôm nay.

Thực vậy, độ rộng VN-Index cuối phiên hôm nay thể hiện sự cân bằng 214 mã tăng và 246 mã giảm. Trong số giảm có 58 mã giảm hơn 1% với thanh khoản chiếm 5,3% tổng khớp sàn HoSE. Phía tăng có 66 mã tăng trên 1%, thanh khoản chiếm 26% sàn. Ngoài ra, tổng giao dịch khớp lệnh nhóm cổ phiếu tăng giá chiếm khoảng 54% sàn, giao dịch nhóm giảm chiếm 33%. Như vậy nhìn từ góc độ phân bổ vốn, giao dịch vẫn đang khá tích cực khi lượng tiền đẩy giá chiếm ưu thế.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang có ưu thế vượt trội khá rõ, ngay cả trong vai trò nâng đỡ điểm số. Trong 10 mã kéo điểm VN-Index nhiều nhất phiên này thì có 3 mã không thuộc VN30 là PNJ, HAG, LGC. Ngoài ra nhóm VN30 cũng chỉ đóng góp BID, VHM, FPT là thuộc Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Các mã như TCB, GVR, VJC, BMC chỉ thuộc nhóm tầm trung của rổ này. Nhìn rộng hơn, nhóm tăng giá tốt nhất và thanh khoản khá cao cũng tập trung chủ yếu vào midcap như DRC, HSL, VDS, HDG, ITA, DBC, VHC, PC1, HHS giá đều tăng trên 2%.

Khối ngoại vẫn là điểm trừ hôm nay khi bán ròng tiếp 536,4 tỷ đồng nữa trên sàn HoSE và khoảng 23 tỷ đồng trên HNX lẫn UpCOM. Tính riêng chiều nay khối này bán ròng khoảng 239,5 tỷ đồng. Các mã bị xả nhiều là HPG -106,7 tỷ, STB -53,6 tỷ, KBC -52,5 tỷ, VCB -50,9 tỷ, VND -45,3 tỷ, HCM -26,2 tỷ, BCM -24,7 tỷ. Phía mua chỉ có MWG +31 tỷ là đáng kể. Như vậy khối này đã bán ròng liên tục sang phiên thứ 16. Sau khi kết thúc giao dịch tái cơ cấu, từ đầu tuần này tới nay, khối ngoại bán ròng tiếp khoảng 2 ngàn tỷ đồng nữa.