18:59 09/04/2024

Khách nội địa sụt giảm sâu 15% trong quý 1/2024

Ánh Tuyết

Trong quý 1/2024, trong khi lượng khách quốc tế vẫn giữ đà bật tăng, lượng khách quốc nội lại giảm sâu 15%, đạt khoảng 17,5 triệu lượt khách...

Nhiều hãng hàng không đang nỗ lực tăng tải và tung chương trình ưu đãi để kéo hành khách du lịch nội địa dịp nghỉ lễ sắp tới.
Nhiều hãng hàng không đang nỗ lực tăng tải và tung chương trình ưu đãi để kéo hành khách du lịch nội địa dịp nghỉ lễ sắp tới.

Số liệu từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khắc hoạ rõ nét tình hình khai thác vận tải hàng không nội địa và quốc tế trong quý 1/2024. Theo đó, sản lượng hành khách quý 1 thông qua các cảng hàng không do ACV quản lý và khai thác đạt gần 28 triệu lượt khách. 

Trong đó, hành khách quốc tế đạt gần 10,5 triệu lượt khách, tăng 47,2% so với cùng kỳ 2023; hành khách quốc nội đạt khoảng 17,5 triệu lượt khách, giảm 15% so với cùng kỳ.

TRÁI CHIỀU TĂNG TRƯỞNG KHÁCH NỘI ĐỊA, QUỐC TẾ

Trong quý 1/2024, các cảng hàng không trực thuộc ACV đã thực hiện tốt công tác khai thác, đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ; đảm bảo tiến độ các dự án, công trình trọng điểm.

Ba tháng đầu năm, sản lượng hạ cất cánh đạt 172.638 lượt/chuyến; chiếm 23% kế hoạch năm và giảm 3,9% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, cất hạ cánh quốc tế đạt 64.427 lượt/chuyến, tăng 37% so với cùng kỳ 2023; cất hạ cánh quốc nội đạt 108.211 lượt/chuyến, giảm 19% so với cùng kỳ 2023.

 

"Sản lượng hành khách đạt 27.936.904 khách, chiếm 23,7% kế hoạch năm và tăng 1% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, hành khách quốc tế đạt 10.471.624 lượt khách, tăng 47,2% so với cùng kỳ 2023; hành khách quốc nội đạt 17.465.279 lượt khách, giảm 15% so với cùng kỳ 2023".

Báo cáo của ACV.

Cũng theo ACV, sản lượng hàng hóa, bưu kiện quý 1 đạt 349.631 tấn, chiếm 26,3% kế hoạch năm và tăng 22,6% so với cùng kỳ 2023.

Bên cạnh đó, công tác an ninh, an toàn được đảm bảo tuyệt đối. ACV đã chỉ đạo các cảng hàng không triển khai tốt công tác khai thác trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2024, đáp ứng tốt yêu cầu đi lại của hành khách. 

Công tác an toàn bay được đảm bảo tuyệt đối, không có các sự cố mất an toàn nghiêm trọng. Các vụ việc về an ninh, an toàn xảy ra tại các cảng hàng không được các đơn vị chủ động phối hợp xử lý, họp rút kinh nghiệm và báo cáo theo quy định.

Cùng với đó, tiến độ các dự án, công trình nâng cấp hạ tầng sân bay, cảng hàng không đáp ứng yêu cầu đề ra, đặc biệt là các dự án trọng điểm Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, trong quý 1, ACV cũng chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, cân đối vĩ mô, thực hiện hiệu quả các nguồn lực để phục vụ đầu tư phát triển. Các chỉ số doanh thu, chi phí được kiểm soát tốt, bám sát kế hoạch đề ra.

"Cụ thể, tổng doanh thu quý 1 đạt 5.165 tỷ đồng, chiếm 25,5% kế hoạch năm, tăng 12% so với cùng kỳ 2023; tổng chi phí đạt 2.268 tỷ đồng, chiếm 20,8% kế hoạch năm, giảm 24% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.897 tỷ đồng, chiếm 31% kế hoạch năm, tăng 78% so với cùng kỳ 2023", đại diện ACV thông tin.

GIÁ VÉ ĐẮT ĐỎ HƠN, NHIỀU HÃNG NỖ LỰC TĂNG TẢI, TUNG ƯU ĐÃI

Số liệu do ACV cung cấp cho thấy trong quý đầu năm, sản lượng hành khách nội địa do các hãng hàng không trong nước phục vụ giảm sâu 15% so với cùng kỳ, chỉ đạt khoảng 17,5 triệu lượt khách.

Sở dĩ lượng khách bay nội địa giảm mạnh, theo lãnh đạo Vietravel Airlines, hiện tàu bay của một số hãng trong nước phải tạm ngưng khai thác để khắc phục động cơ và một số hãng giảm tần suất khai thác cũng như cắt bớt đường bay để tái cơ cấu, điều này có tác động rất nhiều đến thị trường hàng không trong nước. Đây chính là một trong những lý do dẫn đến hiện tượng khan hiếm vé máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm. 

Hơn nữa, cũng do sụt giảm đội tàu bay, trong bối cảnh lượng hành khách quốc tế bật tăng khả quan, các hãng hàng không trong nước lại giảm khả năng cạnh tranh đối với các hãng hàng không nước ngoài vì tải giảm.

Tình trạng này có thể kéo dài đến hết năm 2024 do một số tàu bay A321 sử dụng động cơ Pratt&Whitney của một số hãng phải dừng khai thác để khắc phục lỗi động cơ của nhà sản xuất.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, với việc đội tàu bay sụt giảm, các hãng hàng không đều phải điều chỉnh kế hoạch, mạng đường bay, thị trường, điểm đến khai thác và chiến lược kinh doanh để cân đối các nguồn lực. Hơn nữa, vận tải hàng không, đặc biệt là vận tải hàng không nội địa chịu ảnh hưởng rất lớn từ tính chất mùa vụ khiến giá vé máy bay có sự biến động tăng trên một số chặng bay so với ngày thường.

Với các chặng bay nội địa, tùy từng giai đoạn, giá vé có chiều hướng tăng cao hơn so với trung bình các năm gần đây. Tuy nhiên, theo ông Thắng, các hãng đều đang bán vé máy bay nội địa trong khung giá cho phép, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng hàng không đang gây khó cho du lịch nội địa. Do giá vé máy bay cao, nhiều người dân lựa chọn chuyển sang đi phương tiện khác trong dịp nghỉ lễ tới đây, hoặc lựa chọn đi địa điểm gần hay lựa tour quốc tế như Thái Lan rẻ hơn du lịch trong nước.

 

"Khi số chuyến bay khai thác giảm đồng nghĩa với việc dải giá vé tốt sẽ ít so với trước đây, khách hàng mua vé càng cận ngày sẽ phải chấp nhận mức giá cao. Đặc biệt, đối với một số đường bay có lượng khách di chuyển lớn, giá vé cũng có biến động nhiều khi tần suất khai thác của các hãng giảm", lãnh đạo Vietravel Airlines giãi bày.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang đến gần, dự đoán nhu cầu di chuyển của hành khách sẽ tăng trong giai đoạn này, Vietravel Airlines dự kiến tăng tần suất các chặng bay chính như: TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội với tần suất 2 – 3 chuyến khứ hồi/ ngày, chặng TP. Hồ Chí Minh – Đà Nẵng với tần suất 2 chuyến khứ hồi/ ngày, Hà Nội – Đà Nẵng là 2 chuyến khứ hồi/ ngày.

"Tổng chuyến bay khai thác của hãng dự kiến sẽ tăng 30% so với giai đoạn cùng kỳ", lãnh đạo Vietravel Airlines thông tin.

Lãnh đạo hãng cho biết Vietravel Airlines sẽ tiếp tục theo dõi tình hình đặt vé và điểm đến hành khách có xu hướng di chuyển cao để phối hợp với cơ quan chức trách hàng không tăng tần suất phù hợp.

Bên cạnh đó, trong tháng 4 này, Vietravel Airlines cũng đẩy mạnh thực hiện các chuyến bay charter đến thị trường Nhật Bản, đưa khách Việt Nam đến thị trường tiềm năng này và ngược lại. Song song với đó, Vietravel Airlines cũng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá vé khi mua vé máy bay áp cho một số đường bay quốc nội.

Vietnam Airlines cũng đang nỗ lực giúp phục hồi và phát triển du lịch trong nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5. 

Dù gặp khó khăn về lực lượng máy bay đưa vào khai thác do yếu tố khách quan, hãng vẫn duy trì được tải cung ứng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tối ưu nguồn lực và điều hành linh hoạt, chủ động. Theo đó, số chuyến bay tăng cường tập trung trên các đường bay du lịch như giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc, Côn Đảo…

Trên mạng đường bay quốc tế, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia là những điểm đến có nhiều chuyến bay nhất của Vietnam Airlines.

Hiện tại, nhiều chuyến bay hành trình Hà Nội - Huế, Quảng Bình, Nha Trang, Phú Quốc; TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng, Phú Quốc vào dịp cao điểm đã đầy chỗ từ 50% - 70%. Để lựa chọn được lịch trình mong muốn, hành khách nên chủ động có kế hoạch đặt chỗ từ sớm, mua vé qua các kênh chính thống hoặc phòng vé, đại lý chính thức của hãng.

Hãng cũng triển khai game One S trên nền tảng số để tăng trải nghiệm, thu hút hành khách du lịch nội địa. One S được miêu tả như một cuốn nhật ký hành trình, cho phép người tham gia ghi lại các điểm đến trên khắp Việt Nam với mục tiêu cao nhất là chinh phục đủ 63 tỉnh, thành phố trên dải đất chữ S và 22 sân bay kết nối.