07:39 09/01/2024

Khai mạc Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hà Lê

Chiều 8/1, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thường kỳ thứ 29.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29. Ảnh: Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29. Ảnh: Quốc hội

Đây là phiên họp đầu tiên của năm 2024 với nội dung quan trọng, trong đó có nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội.

TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU, CHO Ý KIẾN ĐỂ PHIÊN HỌP ĐẦU NĂM CÓ CHẤT LƯỢNG CAO

Chủ trì và phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 1,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số nội dung, gồm: Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.

Đề cập đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt kinh tế - xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả trước mắt và lâu dài. Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và công phu, xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học qua nhiều vòng, nhiều lần, đã tổ chức lấy ý kiến đông đảo nhân dân với hơn 12 triệu lượt ý kiến tham gia…

Khai mạc Phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh 1

Với hồ sơ chuẩn bị cho đến nay, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về những vấn đề gồm: Thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở thương mại, dịch vụ; Phương pháp định giá đất, thẩm quyền, trách nhiệm lựa chọn phương pháp định giá đất; Dự án tạo quỹ đất, quỹ phát triển đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật quan trọng, có tính chuyên môn cao, tác động sâu rộng tới các đối tượng, liên quan trực tiếp đến an ninh, an toàn hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia. Quốc hội đã 2 lần cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội cũng cho ý kiến nhiều lần, chỉ đạo cụ thể qua nhiều cuộc họp.

Để đảm bảo dự án Luật được thông qua với chất lượng tốt nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và ngân hàng thời gian tới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích, cho ý kiến hoàn thiện thêm một số vấn đề về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, cần rà soát về một số nội dung như: giải quyết sở hữu chéo, quy định chuyển tiếp, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm... trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nội dung liên quan tài chính, ngân sách gồm: Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Nhấn mạnh thời gian họp không dài, nhiều nội dung khó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, cho ý kiến để phiên họp đầu năm có chất lượng cao nhất.

DỰ KIẾN XEM XÉT 4 NỘI DUNG TẠI KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 5

Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định 4 nội dung tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, gồm: Xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); xem xét thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và xem xét, quyết định một số vấn đề cấp bách về tài chính, ngân sách nhà nước.

Về dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, trong đó có bố trí thời gian nghỉ 1 ngày để các cơ quan có thời gian tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc. Với phương án này, Kỳ họp sẽ khai mạc ngày 15/1, bế mạc vào sáng 18/1 và nghỉ ngày 17/1.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại Phiên họp thứ 28. Ảnh: Quốc hội
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại Phiên họp thứ 28. Ảnh: Quốc hội

Với dự kiến thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Quốc hội dành ngày đầu tiên của Kỳ họp để nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; thảo luận tại hội trường (0,5 ngày/dự án luật), chỉ tập trung vào các điểm mới so với Kỳ họp thứ 6 và những nội dung còn ý kiến khác nhau. Hai dự thảo Luật này sẽ được biểu quyết thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp.

Thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp chỉ còn khoảng 1 tuần, do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung, gửi tài liệu kỳ họp đến Văn phòng Quốc hội để gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu trước khi tham dự Kỳ họp.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Tổng Thư ký đề nghị thực hiện như các kỳ họp bất thường trước đó. Các Đoàn đại biểu Quốc hội không tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp này. Nội dung chương trình, kết quả Kỳ họp sẽ được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân được biết.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, khẩn trương nỗ lực chuẩn bị hoàn thiện nội dung để trình Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí để tăng cường công tác thông tin, truyền thông về Kỳ họp, bám sát diễn biến, truyền tải đầy đủ các nội dung tại nghị trường để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát, đảm bảo Kỳ họp diễn ra thành công.