Khai mạc triển lãm quốc tế ngành y dược tại thành phố Hồ Chí Minh
Thị trường thiết bị y tế tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với quy mô 1.6 tỷ USD, xếp thứ 8 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 10,2%. Đây là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp y, dược trong và ngoài nước...
Triển lãm quốc tế chuyên ngành y dược năm 2024 (Vietnam Medipharm Expo 2024) vừa được khai mạc tại TP.HCM từ ngày 01 - 3/8/2024. Triển lãm thu hút hơn 500 gian hàng thuộc 450 doanh nghiệp đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Có 6 nhóm ngành chính được giới thiệu là dược phẩm, thực phẩm chức năng, máy móc chế biến và đóng gói; máy móc và thiết bị y tế; thiết bị phân tích, thí nghiệm, hóa chất; dịch vụ và nội thất bệnh viện; du lịch y tế, phần mềm y tế; thiết bị nha khoa, nhãn khoa; mỹ phẩm, thẩm mỹ, thiết bị làm đẹp.
Theo báo cáo của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu Mordor Intelligence Inc, quy mô thị trường thiết bị y tế toàn cầu dự báo tăng từ 637,04 tỷ USD vào năm 2024 lên 893,07 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,99%.
Tại Việt Nam, thị trường thiết bị y tế đang có những tín hiệu phát triển mạnh mẽ với quy mô 1.6 tỷ USD, xếp thứ 8 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 10,2%. Lĩnh vực này đã và đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài theo hình thức sáp nhập và mua lại (M&A).
Giải thích về nguyên nhân tạo ra sự “bùng nổ” của thị trường kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ ngành y dược tại Việt Nam, Mordor Intelligence Inc đưa ra ba yếu tố gồm xu hướng già hóa dân số tăng, mức sống ngày càng được cải thiện và có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê thì nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên của Việt Nam đã tăng từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023, tỷ lệ thuận với các bệnh mãn tính, bệnh tuổi già, thường xuyên sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Kế đến, mức sống người dân ngày càng được cải thiện, không chỉ ở thành thị mà ngay cả nông thôn, và họ sẵn sàng đầu tư các khoản tiền lớn để mua sắm các sản phẩm, trang thiết bị nâng cao sức khỏe.
Cuối cùng, Việt Nam có nhiều chính sách mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích chuyển giao công nghệ, như Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phê duyệt tháng 10/2023); Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tháng 2/2024).
Diễn ra đồng thời với triển lãm là chuỗi hội thảo/tọa đàm chuyên ngành gồm các chủ đề: Công nghệ y tế 4.0; Hợp tác ngành dược phẩm Việt Nam - Ấn Độ; Luật đấu thầu và các chính sách cập nhật, thị trường y dược Việt Nam. Mỗi hoạt động đóng vai trò cầu nối để các doanh nhân, doanh chủ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tiến tới hợp tác bền vững trong tương lai.