09:34 13/02/2024

Khai mở “mỏ vàng” dữ liệu phát triển kinh tế số

Hằng Anh

Cũng như đất đai và lao động trong kỷ nguyên nông nghiệp; công nghệ và vốn trong kỷ nguyên công nghiệp; dữ liệu- một loại tài nguyên, tài sản, “đất đai của không gian mới”, đang ngày càng trở thành nhân tố sản xuất quan trọng nhất trong kỷ nguyên số, tạo ra sự bứt phá tăng trưởng kinh tế số. Theo các chuyên gia, dữ liệu là “dầu mỏ”, nguyên liệu cho nền kinh tế số...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo thống kê, cứ sau 12 giờ, lượng dữ liệu trên toàn thế giới lại tăng gấp đôi. Hãng nghiên cứu thị trường Statista dự báo quy mô doanh thu của thị trường dữ liệu lớn toàn cầu đã vượt mức 271 tỷ USD vào cuối năm 2022 và ước đạt 308 tỷ USD trong năm 2023. Con số này sẽ tăng mạnh, đạt hơn 655 tỷ USD vào năm 2029.

YẾU TỐ SẢN XUẤT MỚI, TÀI NGUYÊN ĐẦU VÀO MỚI

Dữ liệu được coi là một yếu tố sản xuất mới, giống như đất đai và vốn. Càng chuyển đổi số thì càng sinh ra nhiều dữ liệu, càng tạo ra nhiều “đất đai” trên môi trường số. Khai thác nguồn “đất đai” này bằng công nghệ số sẽ sinh ra giá trị mới, tạo ra sự tăng trưởng.

Tại Diễn đàn quốc gia về Phát triển kinh tế số và xã hội số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn, cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, các yếu tố sản xuất mới và động lực mới.

Theo đó, không gian mới là kinh tế số; lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Khai mở “mỏ vàng” dữ liệu phát triển kinh tế số - Ảnh 1

Đề cập đến các vấn đề cơ bản của kinh tế số, người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng phát triển kinh tế số Việt Nam sẽ dựa trên 3 trụ cột: quản trị số; khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị cho nền kinh tế và phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số.

Cập nhật khái niệm kinh tế số của OECD, tại một hội thảo về khai thác dữ liệu để phát triển kinh tế số, Tổng cục Thống kê cho biết: kinh tế kỹ thuật số là các ngành dựa chủ yếu vào 4 yếu tố: công nghệ số, hạ tầng số, dịch vụ số và dữ liệu số.

 
GS.Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân: 
"Khi đầu vào của sản xuất không phải từ vốn tự nhiên, vốn cố định, tài nguyên thiên nhiên, lao động mà là dữ liệu và công nghệ số, lần đầu tiên con người đã đưa ra một phương thức sản xuất kinh doanh mới không dựa vào tài nguyên. Dữ liệu là một loại nguyên vật liệu đầu vào mới trong mô hình phát triển kinh tế số, thay đổi cơ bản phương thức sản xuất. Phát triển kinh tế số chính là phát triển kinh tế xanh vì không tiêu thụ nhiên liệu như nền kinh tế truyền thống".

Còn theo GS.Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, kinh tế số là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số và phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số, dữ liệu để tạo ra những mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới. Đây là điểm khác biệt quan trọng của kinh tế số với kinh tế truyền thống.

Dữ liệu số trở thành một nguồn “nguyên, nhiên, vật liệu” mới cho một tiến trình kiến tạo giá trị thông qua ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số, tạo ra những công cụ, phương tiện và phương cách mới. Các nguồn dữ liệu trở thành trung tâm sức mạnh của các doanh nghiệp và tạo lợi thế cạnh tranh. Dựa vào dữ liệu đã tạo ra các mô hình phát triển kinh doanh mới.

Nguồn tài nguyên lớn nhất không còn là dầu mỏ mà là dữ liệu. Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Google, Amazon hay Facebook đều sở hữu nguồn dữ liệu khổng lồ.

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DỮ LIỆU

Một trong những yếu tố tạo sự bứt trong tăng trưởng kinh tế số chính là dữ liệu. Nhấn mạnh vai trò của dữ liệu cũng như chiến lược phát triển công nghiệp dữ liệu, từ kinh nghiệm các nước khai thác dữ liệu số thúc đẩy phát triển kinh tế, GS. Trần Thọ Đạt cho biết ở một số nước như Trung Quốc đã đưa vào đo lường ngành công nghiệp dữ liệu. Dữ liệu trở thành hàng hóa được định giá, giao dịch trên thị trường.

Tại tọa đàm về khai mở tiềm năng dữ liệu số tổ chức mới đây, ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng Phòng hạ tầng và dữ liệu số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, đã phân tích về bốn giai đoạn mà dữ liệu quốc gia đã trải qua. Trong đó, ở giai đoạn hiện nay, dữ liệu đang có vai trò làm nền tảng chuyển đổi số quản trị công và phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đối với Việt Nam, theo khuyến nghị của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, để có kho dữ liệu tập trung, về mặt chính sách, điểm mấu chốt là làm thế nào tập trung được dữ liệu, khắc phục tình trạng phân mảnh, không tạo độ lớn về dữ liệu.

Nhằm khai mở tiềm năng, nâng cao chuỗi giá trị dữ liệu, cần có chiến lược quốc gia thống kê về dữ liệu trong đó trọng tâm là kết nối và tạo ra các bộ dữ liệu dùng chung. Chiến lược sẽ bao hàm cả việc tạo ra văn hóa tạo lập dữ liệu, kết nối và đưa dữ liệu vào khai thác.

Hiện nay, Việt Nam đã có danh mục dữ liệu mở. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các bộ ngành thúc đẩy xác lập các cơ sở dữ liệu ưu tiên.

ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN DỮ LIỆU SỐ CHO NỀN KINH TẾ SỐ

Vai trò của dữ liệu số ngày càng rõ nét, quan trọng hơn, thể hiện ở việc Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chọn năm 2023 là “năm dữ liệu số quốc gia”, tạo ra giá trị mới từ dữ liệu với mục tiêu xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia, thúc đẩy chuyển đổi số.

Tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban, nhấn mạnh: chuyển đổi số năm 2024 là phát triển kinh tế số với bốn trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số- động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Khai mở “mỏ vàng” dữ liệu phát triển kinh tế số - Ảnh 2

Phát triển kinh tế số phải lấy tri thức và dữ liệu số làm yếu tố sản xuất chủ yếu, công nghệ số làm động lực cốt lõi và hạ tầng số hiện đại làm nền tảng.

Phát triển kinh tế số một cách tổng thể, toàn diện, nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn là chạy theo số lượng; tập trung vào bốn ưu tiên chính trong đó có phát triển dữ liệu số là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số.

"Mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống cần có vốn, lao động, tài nguyên. Chuyển sang phát triển nền kinh tế số, chúng ta phải có vốn mới (công nghệ tài chính), lao động mới (robot thông minh, in 3D…), tài nguyên mới (dữ liệu số, điện toán đám mây, công nghệ mới như AI)", Thủ tướng phân tích.

Tháng 10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 175/NQ-CP phê duyệt Đề án Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Đây là trung tâm dữ liệu do Chính phủ xây dựng, quản lý, khai thác và vận hành; tích hợp, đồng bộ, lưu trữ, chia sẻ, phân tích, khai thác, điều phối dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định nhằm hình thành kho dữ liệu về con người và kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khai mở “mỏ vàng” dữ liệu phát triển kinh tế số - Ảnh 3