Khàn giọng và khó thở có thể là triệu chứng mắc Covid-19 ở trẻ em
Nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ chỉ rõ, nguy cơ trẻ em mắc Covid-19 tương đương với người lớn, điều này xác nhận rằng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 có thể xảy ra với mọi người và ở mọi lứa tuổi...
Nghiên cứu gần đây của JAMA Network Open cho thấy, virus SARS-Cov-2 tiến hóa, rút ngắn thời gian ủ bệnh, trở nên mạnh hơn và khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Nhìn chung, các phát hiện mới nhấn mạnh sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 và sức mạnh, khả năng lây truyền tăng lên của các biến chủng nCoV. Hơn nữa, thời gian ủ bệnh Covid-19 đã giảm dần từ chủng Alpha đến chủng Omicron. Việc đánh giá thời gian ủ bệnh của các biến chủng khác nhau là điều cần thiết để xác định các giai đoạn cách ly hợp lý.
Thời gian ủ bệnh chung của Covid-19 là 6,6 ngày và dao động từ 1,8 đến 18,9 ngày. Các nhà khoa học so sánh thời gian ủ bệnh ở các biến chủng Alpha, Beta, Delta và Omicron. Các biến chủng SARS-CoV-2 mới nhất có thời gian ủ bệnh trung bình là 5 ngày. Thời gian ủ bệnh trung bình là 7,4 ngày đối với người trên 60 tuổi và 8,8 ngày ở trẻ em dưới 18 tuổi. Ngoài ra, 7 ngày là thời gian ủ bệnh trung bình ở bệnh nhân Covid-19 không nghiêm trọng và 6,7 ngày ở bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Theo nghiên cứu, thời gian ủ bệnh ngắn Covid-19 ngắn hơn ở đối tượng trẻ em. Thực tế, trẻ em nhiễm bệnh thường xuất hiện các triệu chứng nhẹ mà không có hiện tượng viêm phổi điển hình. Vì vậy, các triệu chứng Covid-19 có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, dẫn đến khó phát hiện trẻ em mắc Covid-19. Mặc dù vậy, trẻ em có thể lây truyền virus SARS-CoV-2 trong suốt thời gian ủ bệnh và không có triệu chứng chính xác nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp lại dẫn đến viêm phổi nặng hoặc các biến chứng nguy hiểm ở thanh thiếu niên. Một phát hiện mới được công bố trên tạp chí y khoa Immunity cho hay, khó thở dai dẳng có thể là dấu hiệu của tổn thương phổi ở trẻ. Kết quả của nghiên cứu phát hiện đây là dấu hiệu cho thấy phổi của người bệnh vẫn chưa được chữa lành hoàn toàn khỏi những tổn thương do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Tiến sĩ James Harker từ Viện Tim và Phổi Quốc gia của Đại học Hoàng gia London, một trong những tác giả của nghiên cứu giải thích, tình trạng khó thở kéo dài ở trẻ cho thấy sự hiện diện của các tế bào miễn dịch bất thường, được tạo ra do Covid-19. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những trường hợp khó thở liên tục bằng cách kiểm tra mẫu chất lỏng chiết xuất từ phổi. Mục tiêu chính của nghiên cứu là tìm hiểu những tế bào miễn dịch nào đang hoạt động bên trong phổi dẫn đến vấn đề khó thở hậu Covid-19. Giới nghiên cứu phát hiện sự hiện diện của tế bào miễn dịch bị thay đổi trong đường thở của những trẻ em và thanh thiếu niên tham gia nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu chỉ rõ, tình trạng khó thở dai dẳng ở bệnh nhân Covid-19 có thể là phản ứng miễn dịch sau thời gian dài bị nhiễm virus, dẫn đến viêm và tổn thương đường thở. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình trạng bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn. Các nhà nghiên cứu nhận định, khó thở dai dẳng nếu được điều trị kịp thời có thể cải thiện tình trạng phổi và ngăn ngừa các biến chứng khác có thể xảy ra với trẻ em.
Trong khi đó, ngày 28/8 vừa qua, Mike Kwan Yat-wah, chuyên gia tư vấn tại khoa Nhi của Bệnh viện Princess Margaret (Hồng Kông) nói với Global Times rằng những đặc điểm của trẻ trong đợt dịch thứ 5 do biến thể Omicron gây ra khác với các đợt trước. Cụ thể, chuyên gia này cho biết ông phát hiện một số trẻ nhiễm bệnh đã bị viêm thanh khí phế quản. Triệu chứng liên quan là khàn giọng và khó thở. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, dẫn đến tình trạng không đủ oxy cung cấp cho một số bộ phận của cơ thể.
Ông Kwan lưu ý thêm tình trạng này cũng có thể do các tác nhân truyền nhiễm khác gây ra, ví dụ virus parainfluenza. "Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tình trạng này gần như là do biến thể Omicron gây ra", ông nói. Ông Mike Kwan Yat-wah cũng đề cập khả năng trẻ sẽ mắc hội chứng hậu Covid-19. Ông nêu thông tin khoảng 19% trẻ khỏi bệnh gặp tình trạng này. Những dấu hiệu phổ biến là suy giảm nhận thức, trí nhớ, mất ngủ, đau đầu và mệt mỏi.
Viêm thanh khí phế quản cũng là một dấu hiệu trẻ đang gặp vấn đề nghiêm trọng về hô hấp và cần được điều trị, chăm sóc sớm. Ông Kwan khuyên cha mẹ nên đưa trẻ đi khám nếu phát hiện con có những dấu hiệu như: Trẻ có tiếng khò khè hoặc tiếng rít khi hít vào, thở ra; da xanh, tím tái ở quanh mũi, miệng hoặc móng tay. Nếu được điều trị kịp thời, trẻ sẽ hồi phục và không để lại di chứng lâu dài.