13:37 29/04/2023

Khánh thành hơn 150km hai đoạn cao tốc Bắc - Nam, mở ra không gian phát triển mới

Ánh Tuyết

Việc đưa hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây vào khai thác ngày 29/4 giúp nâng tổng số km đường cao tốc cả nước lên 1.580 km và mục tiêu 3.000km vào năm 2025 đang được kéo gần lại. Các tuyến cao tốc sẽ mở ra không gian phát triển mới, khu công nghiệp, khu đô thị mới và hướng phát triển mới trong tương lai...

Trong 3 năm gần đây đã đưa vào khai thác 416 km cao tốc, bằng 1/3 số km thi công chật vật trong gần 20 năm trước đó (1.163km).
Trong 3 năm gần đây đã đưa vào khai thác 416 km cao tốc, bằng 1/3 số km thi công chật vật trong gần 20 năm trước đó (1.163km).

Ngày 29/4, Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và cắt băng khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại điểm cầu đặt tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham gia lễ khánh thành dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 tại điểm cầu được đặt tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

NÂNG CẤP HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐỂ TẠO KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, GIẢM CHI PHÍ LOGISTICS

Bày tỏ niềm vui khi hai đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành và ý nghĩa hơn khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 48 năm ngày đất nước thống nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cho rằng việc hai đưa tuyến cao tốc quan trọng này vào khai thác sẽ rút ngắn thời gian di chuyển và tạo thuận lợi, an toàn hơn giữa Bình Thuận và TP.HCM; giữa Hà Nội với Ninh Bình, Thanh Hóa và các địa phương lân cận.

Cùng với đó, việc đưa hai tuyến vào khai thác thời điểm này càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu đi lại du lịch của người dân tăng cao trong dịp nghỉ lễ.

Đánh giá về hai đoạn cao tốc khánh thành hôm nay, Thủ tướng khẳng định, đó là thành tích khi thi công trong giai đoạn cực kỳ khó khăn như dịch bệnh Covid-19, giá cả biến động.

"Nỗ lực của các cấp các ngành và sự chia sẻ, đồng lòng của nhân dân là rất lớn. Đó là bài học cho chúng ta vượt qua khó khăn trong những dự án, công trình sắp tới. Với tinh thần vướng ở đâu gỡ ở đó, vướng ở cấp nào gỡ ở đó; không đùn đẩy, đã nói là làm; phân công, phân nhiệm cụ thể, khó khăn nào cũng có thể vượt qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đánh giá cao sự vào cuộc của các Bộ, ngành cùng với Bộ Giao thông vận tải; biểu dương địa phương chia sẻ khó khăn với Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ. Đặc biệt, biểu dương bà con nhường đất nhường nhà, chia sẻ với Chính phủ và dự án.

Cũng theo Thủ tướng, những năm qua Đảng, Nhà nước chú trọng phát triển hạ tầng giao thông cho mục tiêu phát triển đất nước. Cao tốc, cảng biển, sân bay... được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Chính phủ dành nguồn lực lớn cho lĩnh vực này để tăng cường thông thương, tạo không gian phát triển mới, giúp hạ giá thành hàng hoá, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thời gian qua, nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho phát triển đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng các miền và khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, không gian phát triển, mở ra những phát triển mới về đô thị, về khu công nghiệp, đặc biệt là giảm chi phí logistics.

 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

“Chi phí logistics của chúng ta chiếm khoảng 17% trong tổng giá thành hàng hoá xuất nhập khẩu. Trong khi đó, các nước trong khu vực chỉ chiếm 12-13%, gây khó khăn trong việc cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới.

Việc phát triển hệ thống giao thông như: đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải, vận tải thủy nội địa làm tốt sẽ tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra khu công nghiệp mới, khu đô thị mới, khu dịch vụ mới, từ đó, giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn” Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.

Với đường cao tốc, Thủ tướng kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành cao tốc dọc cả nước, nối từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau. Bởi hành lang vận tải Bắc - Nam rất quan trọng và là xương sống của đất nước; đến nay đã hoàn thành và đưa vào khai thác 800km/2.063km, tương đương trên 40%.

Đồng thời, cũng xây dựng và hoàn thành các tuyến trục ngang, dọc ở các địa phương như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, điều hành hiệu quả các đoạn cao tốc đã hoàn thành; các đoạn đường kết nối trong khu vực, đặc biệt khu vực TP.HCM. Đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Các địa phương có trách nhiệm hỗ trợ sinh kế cho người dân đã nhường đất làm đường; phát huy tối đa lợi ích đường cao tốc mang lại, mở ra không gian đô thị mới.

BA NĂM ĐƯA HƠN 400 KM VÀO KHAI THÁC

Thông tin khái quát về toàn bộ quá trình thi công dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, cho biết giai đoạn 2021-2025, đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục được xác định là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; phấn đấu đến năm 2050, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, tạo mọi điều kiện thuận lợi của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giao thông vận tải đã và đang mạnh mẽ đổi mới về tư duy, cách nghĩ, cách làm, thực hiện phân cấp, phân quyền, quyết liệt, bám sát thực tiễn để chỉ đạo, điều hành, nêu cao trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu với mục tiêu hoàn thành các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ - mỹ thuật, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư.

 
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ.

"Đến nay, nhiều dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Trong đó, đường bộ cao tốc đã hoàn thành 1.580 km, riêng giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1.163 km.

Đáng chú ý, chỉ trong 3 năm gần đây đưa vào khai thác 416 km”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải thông tin.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.063km, đi qua 32 tỉnh, thành phố.

Trong giai đoạn vừa qua, bằng nhiều nguồn vốn, ngành giao thông vận tải tiếp tục triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km và giai đoạn 2021 - 2025 gồm 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km.

Với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, đến nay đã đưa vào khai thác hai dự án với tổng chiều dài 113 km.

Ngày 29/4, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tổ chức khánh thành đưa vào khai thác hai dự án thành phần đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 53 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua địa phận các tinh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai, nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam đưa vào khai thác lên 784 km, so với giai đoan trước năm 2020 là 458 km.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai, dự kiến đến ngày 19/5/2023 sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoan Nha Trang - Cam Lâm dài 49km.

Đến cuối năm 2023 sẽ khánh thành thêm 4 đoạn với tổng chiều dài 133km.

Đến năm 2024 sẽ hoàn thành 2 đoạn với tổng chiều dài 129 km.

Đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác, thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

VƯỢT KHÓ, NHÀ THẦU ĐƯA DỰ ÁN VỀ ĐÍCH ĐÚNG TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG

Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, có lúc công trường phải đóng suốt 3 tháng vì đại dịch Covid-19 bùng phát; mưa nhiều bất thường so với nhiều năm; tình trạng thiếu đất đắp nền càng làm việc thi công thêm trầm trọng.

Tuy nhiên, với tinh thần thi công rất cao, các nhà thầu Vinaconex, Đạt Phương, Cienco4, Cienco8, Trung Chính, Thăng Long... dưới sự điều hành của Ban Quản lý dự án Thăng Long đã đưa dự án Phan Thiết - Dầu Giây về đích đúng dịp 48 năm ngày đất nước thống nhất: 30/4/2023.

Thay mặt các nhà thầu thi công, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex, cho biết từ ngày đầu khởi công, tập thể cán bộ công nhân viên công ty và các nhà thầu luôn nỗ lực triển khai dự án với tinh thần không nghỉ một ngày để đảm bảo tiến độ đề ra; xác định việc hoàn thành dự án đúng tiến độ, chất lượng là danh dự, uy tín của doanh nghiệp.

Dồn mọi nguồn lực tận dụng tối đa điều kiện thời tiết trong những lúc thuận lợi để thi công bù đắp tiến độ bị chậm do ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan. Trong đợt thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật 4 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây vào cuối năm 2022”, Vinaconex và các nhà thầu cũng thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các mục tiêu thi đua đã cam kết.

 

Một vài nét nổi bật về hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được khánh thành ngày 29/4:

Dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài hơn 63 km đi qua hai tỉnh, bao gồm: Ninh Bình (hơn 14 km), Thanh Hóa (hơn 49 km). Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án được đầu tư quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120 km/h.

Thời gian đầu, dự án được đưa vào khai thác hơn 53/63 km, còn lại 10 km cuối chờ hoàn thiện nối thông cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn.

Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài: 99 km đi qua hai tỉnh gồm: Bình Thuận (gần 48 km), Đồng Nai (hơn 51 km). Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 25m, vận tốc thiết kế 120 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng.

Giai đoạn hoàn chỉnh, cả hai dự án được đầu tư quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120 km/h.