16:36 27/04/2024

Khẩu vị mới của nhà đầu tư vốn cho các startup công nghệ?

Huỳnh Dũng

Năm 2023 được ví là “mùa đông” gọi vốn đối với các startup công nghệ khi khẩu vị của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) quốc tế và Việt Nam thay đổi. Dù vậy, sự xuất hiện bùng nổ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như chat GPT hay Sora mới đây đã làm thay đổi suy nghĩ của nhiều nhà đầu tư và giới chuyên gia khi đánh giá về tiềm năng phát triển của các đơn vị này trong thời gian tới…

Một số startup hiện nay đã kết hợp nền tảng blockchain và AI đã gọi được 30 triệu USD, thậm chí là 120 triệu USD.
Một số startup hiện nay đã kết hợp nền tảng blockchain và AI đã gọi được 30 triệu USD, thậm chí là 120 triệu USD.

Tại “Diễn đàn Blockchain & AI: Cuộc cách mạng tương lai”, trong phiên thảo luận “Thị trường vốn cho startup và các doanh nghiệp ngành công nghệ blockchain và AI”, các chuyên gia cho biết tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu có chiều hướng sụt giảm rõ rệt so với trước đây, khiến các nhà đầu tư có phần dè dặt và cẩn trọng khi mở hầu bao cho lĩnh vực này.

NGƯỜI ĐI XIN TIỀN NHIỀU HƠN NGƯỜI CÓ TIỀN

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xúc tiến Đầu tư Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng thời điểm năm 2023 vừa qua là giai đoạn khó khăn nhất với các doanh nghiệp. Rất nhiều quỹ đầu tư đã giải ngân hết vốn và chính họ cũng cần gọi vốn từ những nhà đầu tư mới.

“Người đi xin tiền thì nhiều chứ người có tiền thì chả mấy. Điều này là hoàn toàn trái ngược với thời kì 2021, thời kì của làn sóng GameFi (trò chơi điện tử kết hợp yếu tố tài chính), khi chỉ cần pitch desk (bản thuyết trình gọi vốn) có thể dễ dàng gọi từ 3 - 5 triệu USD”, ông Hưng nói.

Theo ông, khoảng 6 tháng gần đây, thị trường đã thay đổi nhiều, các quỹ giờ đây đã gọi được nguồn vốn mới nhưng tâm lý của nhà đầu tư vẫn còn dè dặt. Trước khi xuống tiền, nhà đầu tư tìm hiểu rất kĩ và yêu cầu startup cần có sản phẩm chạy thử, số lượng người dùng sẵn có hay việc định giá sản phẩm cũng như đội ngũ nhân sự của startup. Họ không quá vội vàng vì đã quá am hiểu thị trường.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng tầm nhìn hiện tại của các nhà đầu tư hướng tới sản phẩm viral (hiệu ứng lan truyền). Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ không tốn quá nhiều vốn vào đội ngũ bán hàng hay marketing, chính sản phẩm sẽ mang hiệu ứng lan truyền và tạo ra giá trị cho người sử dụng.

Email hay Yahoo trong thời điểm những năm 2000 hay Zoom, Trello... ở thời điểm hiện tại là những ví dụ như vậy. Các quỹ đầu tư tập trung vào những mô hình kinh doanh đã được chứng minh chứ không mơ hồ như thời gian trước đây.

Theo ông Cris D.Trần, Giám đốc phát triển The Sandbox, các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) của Mỹ hầu như chỉ quan tâm đến yếu tố AI, họ muốn tìm các dự án có yếu tố AI nhiều nhất có thể. Có thể nói, góc nhìn của các VC quốc tế cho AI cũng giống như sự tập trung của họ dành cho GameFi và các dự án blockchain trong năm 2021.

Gọi vốn 100 hay 120 triệu USD ở thời điểm hiện tại là cực kì khó khi nền kinh tế của các quốc gia lớn trên thế giới đều đang “te tua” vì khủng hoảng.

NHÀ ĐẦU TƯ BỚT MẠO HIỂM HƠN

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, nêu rõ sự khác biệt trong thị trường vốn ở các nước kém phát triển như ở Việt Nam với các nước phát triển ở Mỹ nói riêng và Bắc Mỹ nói chung.

Với những nước phát triển hay các nền kinh tế phát triển, các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào giai đoạn R&D mà không cần biết đến sản phẩm sẽ có hình thù như thế nào, chỉ cần mang tính định hướng, dù rằng bản chất, việc đầu tư cho R&D là đầu tư cực kì tốn kém và nguy hiểm. Dù cho có những nhà khoa học hàng đầu thì cũng không thể chắc chắn rằng sản phẩm nghiên cứu sẽ được tối ưu hóa hơn so với những sản phẩm hiện tại.

Ngược lại ở Việt Nam, một trong những mảng mà thị trường tài chính đang rất thiếu, đó chính là các quỹ đầu tư mạo hiểm, các cơ chế dẫn nguồn tài chính cho các doanh nghiệp startup.

Theo ông Quỳnh, mô hình kiểu pre-seed (gọi vốn vòng sớm khi dự án chưa công bố) hay seed (hay còn gọi là vòng hạt giống) khi các quỹ đầu tư sẵn sàng “xuống tay” 30 – 50 ngàn USD vào hàng trăm ý tưởng startup ban đầu, coi như là vốn chủ sở hữu để chờ vài năm sau, chỉ cần vài dự án thành công là họ đã hòa vốn và thậm chí là có lãi. Trong giai đoạn hiện tại sẽ khó hình thành những nhà đầu tư như vậy. 

 

“Doanh nghiệp ngoài việc tìm kiếm tiền từ các nhà đầu tư còn cần tìm kiếm xem hệ sinh thái cũng như kinh nghiệm và khả năng quản trị của nhà đầu tư có giúp dự án tiến xa, phát triển hơn hay không”

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, theo góc nhìn của một người không chỉ hoạt động trong ngành tài chính tập trung, fintech (công nghệ tài chính) mà còn là người phát triển các dự án AI, cho rằng chi phí vốn hiện nay đang khá cao. Trước khi FED tăng lãi suất, luồng tiền đổ vào các nhà đầu tư và các startup rất nhiều nhưng giai đoạn hiện tại khi FED tăng lãi suất, dòng tiền gần như chỉ tập trung vào những dự án đã tạo ra dòng tiền thực sự. 

Theo ông Tuấn, có hai nhánh doanh nghiệp gọi vốn, gồm: (i) nhánh "Burn to earn" doanh nghiệp đốt tiền của nhà đầu tư vào quảng cáo và thu hút người dùng để trong thời gian ngắn có thể tiếp tục tăng mức đầu tư, tăng khả năng gọi vốn ở những vòng tiếp theo. (ii) nhánh "Build to earn", có nghĩa là sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư thêm tiền để phát triển hệ thống một cách nhanh nhất. Trong đó nhánh Build to Earn là nhóm được nhà đầu tư ưu tiên nhiều hơn.

XU HƯỚNG KẾT HỢP GIỮA BLOCKCHAIN VÀ AI

Một trong những lĩnh vực blockchain và AI đang giao với nhau là DePIN  (Decentralized Physical Infrastructure Network) – Mạng lưới cơ sở hạ tầng vật lý phi tập trung. AI cần được học tập từ Bigdata (dữ liệu lớn) nhưng chi phí đào tạo này rất đắt.

Trong khi những ông lớn iCloud, Amazon,… chưa cung cấp dịch vụ, người kinh doanh sẽ tạo ra một cái chợ, ở đó những người có card màn hình không sử dụng cắm lên hệ thống  cho những ai cần nguồn lực đó cho đào tạo AI. Đây được gọi là DePIN và sẽ trở thành xu hướng trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng sự kết hợp giữa blockchain và AI sẽ là sự kết hợp vô cùng đặc biệt. Một số startup hiện nay đã kết hợp nền tảng blockchain và AI đã gọi được 30 triệu USD, thậm chí là 120 triệu USD. Đây là con số rất lớn ở thời điểm hiện tại và không có nhiều quỹ giải ngân được số tiền lớn như thế.

Với góc nhìn từ một nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Trung Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Web3, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, chia sẻ sự đầu tư ban đầu của những quỹ đầu tư mạo hiểm cho những dự án về mạng nơ-ron hay học máy sâu (deep learning), những tiền thân ban đầu của AI trong thời kì 2013, khi chính những dự án này đều không hề theo xu hướng, chính các nhà nghiên cứu cũng không thể trả lời được phong cách kinh doanh là gì hay khách hàng là ai, giống như cách mà các Quỹ đầu tư hỏi trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, họ vẫn được đầu tư và thành quả chính là công nghệ AI tân tiến như hiện tại. Bởi thế, triển vọng của các dự án công nghệ mới là rất cao và luôn có những nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn cho những dự án này.

Ông Thành nhấn mạnh rằng nếu chúng ta chạy theo xu hướng nhanh thì cũng có thể biến mất rất nhanh khỏi thị trường. Quan trọng là sản phẩm cuối cùng thật sự đem tới giá trị lâu dài cho xã hội. Những dự án tồn tại và phát triển giống như công nghệ AI bây giờ thì thành công về mặt dòng tiền sẽ là tất yếu.