Khi cổ đông lớn cam kết dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh hơn
SCIC đã công bố hai tài liệu quan trọng liên quan đến lĩnh vực quản trị công ty gồm: Sổ tay hướng dẫn biểu quyết và Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp
Những tranh chấp xảy ra gần đây ở các doanh nghiệp đều khởi nguồn từ quản trị kém khiến cho những quyết tâm đưa những thông lệ tốt về quản trị công ty vào áp dụng tại Việt Nam càng trở nên cần thiết và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Ở cấp quốc gia, một dự án xây dựng lộ trình quản trị công ty đã và đang được triển khai từ năm 2015. Trong khi đó, ở các bộ ngành, và đặc biệt là lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, quản trị công ty luôn được chú trọng.
Cuối tháng 3 năm ngoái, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) công bố hai tài liệu quan trọng liên quan đến lĩnh vực quản trị công ty gồm: Sổ tay hướng dẫn biểu quyết và Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp.
Hai bộ tài liệu này được xem như những công cụ quan trọng giúp cải thiện hoạt động quản trị tại các công ty có vốn nhà nước mà SCIC đang nắm giữ. Cùng với việc làm tốt vai trò cổ đông Nhà nước năng động tại các doanh nghiệp trong hơn 10 năm qua, SCIC đang có rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp cải thiện chất lượng quản trị tại doanh nghiệp theo hướng ngày càng gần hơn với thông lệ quốc tế.
Câu chuyện Nhựa Tiền phong
Một tháng trước khi tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Hội đồng quản trị và Ban giám đốc Công ty Nhựa Tiền Phong đã có cuộc gặp với cổ đông lớn là SCIC để bàn về các nội dung quan trọng của đại hội đồng cổ đông. Việc chuẩn bị chu đáo như thế này luôn được Hội đồng quản trị của Nhựa Tiền Phong thực hiện nhiều năm nay và nhận được sự ủng hộ từ các cổ đông.
Từ một nhà máy chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ thiếu niên nhi đồng trên diện tích 3,5 ha, đến nay Nhựa Tiền Phong đã phát triển thành một doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất các sản phẩm chất dẻo, trong đó đặc biệt là các loại ống nhựa xây dựng và có một cơ ngơi gấp 10 lần với diện tích hơn 30ha, bao gồm các nhà máy tại Hải Phòng, Nghệ An, Bình Dương, các dây chuyền sản xuất hiện đại theo công nghệ châu Âu…
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhựa Tiền Phong, thừa nhận: Nhựa Tiền Phong có được cơ ngơi này là nhờ chiến lược "tích lũy lợi nhuận, tái đầu tư" đã triển khai hàng chục năm qua. Để có được thành công này, may mắn cho Nhựa Tiền Phong có được một cơ cấu cổ đông tốt. Kể cả cổ đông nước ngoài (Thái Lan trước đây và Nhật Bản hiện nay) hay cổ đông SCIC và bản thân ban lãnh đạo công ty, tất cả đều có chung một suy nghĩ một mục tiêu là xây dựng một công ty dài hạn chứ không phải là "ăn xổi". Nếu không có sự ủng hộ của cổ đông lớn SCIC, Nhựa Tiền Phong sẽ khó mà có được cơ hội để đầu tư và phát huy năng lực như hiện tại, và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia nước ngoài.
Không chỉ ở Nhựa Tiền Phong, rất nhiều doanh nghiệp khác trong danh mục như: Traphaco, Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT, MB... đều nhận được sự hỗ trợ của SCIC.
Với vai trò là một cổ đông lớn, thúc đẩy việc thực thi các thông lệ quản trị hiện đại trong doanh nghiệp, SCIC đã và đang đóng góp rất tích cực cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững của nhiều doanh nghiệp.
Câu chuyện Traphaco
Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty Cổ phần Traphaco đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 20-25%, gấp đôi mức tăng trung bình của ngành dược. Sự ủng hộ và đồng thuận của các cổ đông lớn có ý nghĩa quan trọng và làm nền tảng thúc đẩy Hội đồng quản trị và Ban điều hành Công ty thực thi các giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.
Tại đại hội đồng cổ đông, khi được cổ đông chất vấn về vai trò của cổ đông lớn trong quá trình phát triển của Traphaco, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Traphaco khẳng định rằng: cổ đông lớn SCIC đã đi với Traphaco từ năm 2006 đến nay. Trong nhiệm kỳ này, nhân sự SCIC trực tiếp tham gia hội đồng quản trị Công ty.
Họ là tổ chức quản lý vốn chuyên nghiệp nên tiếp cận các quy định rất nhanh, chặt chẽ, từ đó hỗ trợ Traphaco rất nhiều bởi thực tế đã cho thấy một công ty chỉ có thể phát triển bền vững khi thượng tôn pháp luật. SCIC thường xuyên đóng góp các ý kiến, giúp doanh nghiệp soát xét kỹ chiến lược hay các quyết định quan trọng của công ty.
Hướng tới cải thiện minh bạch
Mùa đại hội cổ đông năm nay, trước nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp cần được biểu quyết, cán bộ SCIC và hơn 200 người đại diện của SCIC tại các doanh nghiệp có công cụ hỗ trợ tiện ích như "Sổ tay hướng dẫn biểu quyết" và "Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp".
Đây là hai ấn phẩm SCIC phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JERI) và Hãng kiểm toán PwC thực hiện, dựa trên thực tế tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty và các thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC chia sẻ rằng: "Tham gia hiệu quả Đại hội cổ đông vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi quan trọng, chính đáng của mỗi một cổ đông. Đặc biệt với cổ đông nhà nước, thách thức lớn đối với SCIC đó là: ngoài mục tiêu bảo toàn vốn đầu tư và gia tăng lợi ích cổ đông thông qua mức thu cổ tức hàng năm, thì việc đảm bảo tính tuân thủ và hiệu quả trong quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh và giá trị doanh nghiệp kể cả việc cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần làm tốt công tác an sinh xã hội, thiện nguyện của doanh nghiệp cũng là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng".
Với quan điểm rõ ràng đó, ý kiến SCIC tham gia đại hội cổ đông tại doanh nghiệp không dừng lại việc kiến nghị, chất vấn, phản biện mà cần phải tiến đến sự tư vấn, hỗ trợ để doanh nghiệp có được các định hướng, mục tiêu, giải pháp phù hợp tình hình thị trường, điều kiện doanh nghiệp trong từng thời kỳ có tính khả thi.
Để làm được điều này, bên cạnh việc không ngừng hoàn thiện thể chế quản trị nội bộ phù hợp với yêu cầu quản trị và thay đổi của pháp luật, SCIC vẫn đang tiếp tục quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kể cả người đại diện về các nghiệp vụ, kỹ năng cần thiết nhằm đạt được mục tiêu quan trọng và xuyên suốt.