16:51 31/05/2021

Khi "giấc mơ Mỹ" trở thành "giấc mơ vaccine"

Hoài Thu

Từ Mỹ Latinh và Caribe, các chuyến bay tới Mỹ "cháy vé" và giá vé tăng vọt do nhu cầu lớn của dòng người muốn tới Mỹ để thực hiện "giấc mơ vaccine", thoát khỏi đại dịch Covid-19 kinh hoàng...

Nhiều người tìm tới Mỹ để tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh: Getty Images
Nhiều người tìm tới Mỹ để tiêm vaccine Covid-19 - Ảnh: Getty Images

"Chúng tôi đến Mỹ không phải vì ‘giấc mơ Mỹ’. Chúng tôi ở đây vì ‘giấc mơ vaccine’”, Elver Estela, 49 tuổi, nói với CNN.

Doanh nhân này từ Peru đến Mỹ để tiêm vaccine Covid-19 và đã tiêm mũi vaccine Pfizer đầu tiên tại một trung tâm tiêm chủng ở thành phố Seattle, bang Washington.

Đầu năm nay, ông Estela quyết định phải tới Mỹ, nơi có nguồn vaccine Covid-19 dồi dào, sau khi chứng kiến nhiều người xung quanh mắc Covid-19 - trải nghiệm mà ông ví giống như trò cò quay của Nga (Russian roulette), đầy nguy hiểm và rủi ro. 

Với hơn 68.000 người chết vì Covid-19 trên tổng dân số 32 triệu người, Peru là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 tại khu vực Mỹ Latinh.

Vào tuần đầu tiên của tháng 5, thời điểm ông Estela đến Mỹ, ông biết được rằng một trong những đồng nghiệp thân thiết nhất của mình đã nhiễm Covid-19 ở quê nhà. 

"Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm và như được giải thoát. Tôi sẽ không chơi trò roulette của Nga nữa", ông Estela nói về khoảnh khắc được một y tá ở Seattle tiêm mũi vaccine đầu tiên.

ĐẾN BẤT KỲ NƠI NÀO CÓ VACCINE 

Ông Estela không phải trường hợp duy nhất. Nhu cầu từ các nước Mỹ Latin tới Mỹ tăng vọt trong năm 2021 do nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 ngày càng lớn. 

Hôm 18/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Công cộng Peru Gustavo Rosell ước tính đã có khoảng 70.000 người Peru đã ra nước ngoài để tiêm vaccine.

 
"Nếu vacccine không đến với bạn, đã đến lúc bạn phải tự tìm tới vaccine"...
FLAVIO SAN MARTIN, PERU

Chia sẻ với CNN, Jose Ricardo Botelho, Giám đốc điều hành Hiệp hội Vận tải Hàng không Mỹ Latinh & Caribe (ALTA) cũng nhận định nhu cầu tới Mỹ của người dân tại nhiều nước Mỹ Latinh và Caribe tăng đột biến gần đây có liên quan tới việc tiêm vaccine. 

"Để so sánh, năm 2019, số lượng chuyến đi từ Mỹ Latinh tới Bắc Mỹ chiếm khoảng 77% tổng số chuyến đi ra khỏi khu vực. Nhưng tháng 3/2021, con số này tăng lên 87%, liên quan mật thiết tới sự gia tăng đột biến lượng khách tới Mỹ để tiêm vaccine”, ông Botelho nói với CNN. 

Những du khách được CNN phỏng vấn cho biết, tại các trung tâm tiêm chủng ở Mỹ, họ không bị yêu cầu cung cấp giấy tờ lưu trú. Một số đã trình chứng minh thư hoặc hộ chiếu của mình. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết "các khu vực pháp lý không thể đưa ra các yêu cầu phải là người có quốc tịch Mỹ hoặc xác minh quốc tịch Mỹ làm điều kiện tiêm chủng vaccine”. 

Sara Kalinicos, đến từ Peru, được tiêm vaccine Pfizer-BioNtech tại Sân bay Quốc tế Miami ngày 10/5 - Ảnh: CNN
Sara Kalinicos, đến từ Peru, được tiêm vaccine Pfizer-BioNtech tại Sân bay Quốc tế Miami ngày 10/5 - Ảnh: CNN

Thậm chí, New York còn mở các điểm tiêm vaccine lưu động gần những điểm tham quan của thành phố.

"Chúng tôi mở ra cơ hội tiêm chủng cho du khách tại các điểm tham quan hấp dẫn nhất của New York. Tôi cho rằng đây là một cách để chào đón sự trở lại của thành phố. Chúng tôi muốn mọi người đều được an toàn”, Thị trưởng New York Bill de Blasio nói với báo giới hôm 11/5. 

"Nếu vacccine không đến với bạn, đã đến lúc bạn phải tự tìm tới vaccine”, Flavio San Martin, 46 tuổi, cũng đến từ Peru, nói với CNN.

San Martin, một chuyên viên tư vấn kinh doanh, đã cùng gia đình tới Durham, bang North Carolina, Mỹ hôm 13/4 và đã được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine Covid-19 của Moderna.

"Tôi cho rằng mình không thể được tiêm vaccine ở Peru trước tháng 12 năm nay. Tôi đã chứng kiến những người chết vì Covid-19 ngày càng gần mình hơn”, ông San Martin cho biết.

Pamela Card, 37 tuổi, đến từ Mexico, cho biết cô không muốn đợi thêm nữa để được đủ điều kiện tiêm vaccine ở nước mình. 

"Sự an toàn của gia đình tôi quan trọng hơn. Khi được tiêm vaccine, chúng tôi có thể cảm thấy an toàn và bớt sợ hãi hơn”, Card chia sẻ. 

CÓ XỨNG ĐÁNG VỚI CHI PHÍ BỎ RA?

Card cho biết cô, gia đình cùng 9 người bạn đã được tiêm vaccine Covid-19 vào cuối tuần qua tại Miami. Tất cả đều đã đặt lịch hẹn tiêm vaccine của Johnson & Johnson qua mạng và được tiêm tại một hiệu thuốc. 

"Bạn chỉ cần điền thông tin vào một biểu mẫu đơn giản. Họ yêu cầu có chứng minh thư để xác nhận, nên tôi đã đưa chứng minh thư Mexico của mình. Tất cả chỉ có vậy”, Card cho biết. 

 
Giá vé trung bình của hạng vé phổ thông từ Lima, Peru tới Miami, bang Florida, Mỹ thời điểm này hàng năm là khoảng 500-700 USD, nhưng hiện đã lên 1.200 USD-4.500 USD...

Cả Mexico và Peru đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Mexico hiện ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm Covid-19, theo sau là Peru với hơn 1,9 triệu ca, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Trong khi đó, Mexico hiện mới chỉ tiêm vaccine phòng ngừa đầy đủ cho hơn 9% dân số, còn Peru kém xa với hơn 3%, theo công cụ theo dõi tiêm chủng của CNN. 

“Chúng tôi đã tính toán và nhận thấy rằng còn phải chờ rất lâu mới tới lượt tôi và mẹ tôi được tiêm vaccine”, Adriana Diaz, 28 tuổi, đến từ Mexico, cho biết. 

Do đó, Diaz và mẹ quyết định tới Atlanta, bang Georgia để tiêm vaccine. Hiện họ đang đợi để tiêm mũi vaccine Pfizer thứ hai. 

“Tôi vô cùng biết ơn chính phủ Mỹ vì đã cho phép mọi người tiêm chủng ở đây”, cô gái 28 tuổi chia sẻ. 

Những người từ khu vực Mỹ Latinh chỉ cần trả vé máy bay và chỗ ở để có thể được tiêm vaccine ở Mỹ. Tuy nhiên, vé máy bay ngày càng đắt đỏ và khó đặt vì “cháy vé”. 

Theo Ricardo Acosta, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Peru, hiện chặng bay từ thủ đô Lima, Peru tới Mỹ đã kín chỗ tới tháng 6 và nhu cầu được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới. 

Số lượng người từ Peru tới Mỹ đã tăng gần 4 lần kể từ tháng 2 tới nay, từ 10.000 người hồi tháng 2 lên 40.780 trong tháng 4, ông Acosta cho biết. 

Trong khi đó, giá vé trung bình của hạng vé phổ thông từ Lima tới Miami, bang Florida vào thời điểm này hàng năm là khoảng 500-700 USD, nhưng hiện đã lên 1.200 USD-4.500 USD. Hàng năm, cao điểm du lịch giữa Peru và Mỹ là vào tháng 7, ông Acosta cho biết. 

Chuyến đi của Card (đề cập ở trên) từ Mexico City tới Miami có tổng chi phí khoảng 10.000 Peso Mexico (500 USD) trong 4 ngày, bao gồm tiền ở. Card cho biết chi phí này không đắt như dự kiến ban đầu của bà nhưng vẫn vượt quá túi tiền của nhiều người Mexico.

"Không phải ai cũng có thể chi trả 10.000 Pero Mexico như tôi. Số tiền này có thể mua thức ăn cho cả một gia đình trong một tháng”, Card cho biết. 

BẤT BÌNH ĐẲNG VACCINE

Tại trung tâm tiêm chủng ở Seattle, Estela (đề cập ở trên) cho biết ông cảm thấy mình được chào đón và việc không là công dân Mỹ không phải vấn đề quan trọng. 

 
"Giấc mơ vaccine của chúng tôi đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người có cơ hội tiêm vaccine ở đất nước chúng tôi. Nếu có thể cứu thêm một người khác nhờ chuyến đi này, tôi cho rằng rất đáng để chi trả cho chuyến đi"...
ELVER ESTELA, PERU

"Mọi người ở đây rất tốt bụng và thân thiện. Khi một nhân viên y tế nhận ra tôi đến từ Mỹ Latinh, bà ấy nói với tôi: ‘ông và gia đình được chào đón đến đây tiêm vaccine. Ở đây chúng tôi có vaccine’. Những lời này rất có ý nghĩa với tôi”. 

Khi ông Estela đợi tiêm mũi vaccine thứ hai trong tháng 5, vợ ông Ursula và con gái 18 tuổi Ariana cũng đã có mặt ở Seattle. Hai người này đã chọn tiêm vaccine của Johnson & Johnson. 

Cũng giống nhiều người được CNN phỏng vấn, bà Ursula cho biết việc bà tự đi tiêm vaccine đã giúp làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và nhường cơ hội tiêm vaccine cho người khác ở quê nhà. 

"Giấc mơ vaccine của chúng tôi đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người có cơ hội tiêm vaccine ở đất nước chúng tôi. Nếu có thể cứu thêm một người khác nhờ chuyến đi này, tôi cho rằng rất đáng để chi trả cho chuyến đi”, ông Estela nói thêm. 

Hiện tại, khu vực Mỹ Latinh thiếu vaccine Covid-19 trầm trọng. Theo Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), dù cả châu Mỹ đã tiêm được hơn 400 triệu liều vaccine Covid-19, hầu hết số này tập trung ở Mỹ. 

Dòng người xếp hàng chờ tiêm vaccine của Johnson & Johnson tại một điểm tiêm chủng lưu động ở South Beach, Florida, ngày 9/5 - Ảnh: AFP
Dòng người xếp hàng chờ tiêm vaccine của Johnson & Johnson tại một điểm tiêm chủng lưu động ở South Beach, Florida, ngày 9/5 - Ảnh: AFP

“Trên thực tế, chỉ có 3% người Mỹ Latinh được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ và chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được bảo vệ”, Etienne cho biết. “Du lịch vaccine không phải là một giải pháp mà là một triệu chứng của việc các loại vaccine Covid-19 đang được phân phối không đồng đều ở châu Mỹ”. 

Theo các quan chức PAHO, tới ngày 21/5, các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đã nhận được hơn 12 triệu liều vaccine thông qua Cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vaccine-19 ngừa Covid-19" (COVAX) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ. Tuy nhiên, các lô vaccine vốn ít ỏi lại bị chậm trễ trong khâu vận chuyển.

Trong khi đó, một số nước khác, như Nga, cũng được nhiều người Mỹ Latinh lựa chọn để đến tiêm vaccine Covid-19. Chính phủ Nga, nơi phát triển vaccine Sputnik V, đã tung ra chương trình tiêm chủng cho người nước ngoài trên Twitter: “Tiêm vaccine Sputnik V ở Nga! Ai đã sẵn sàng?"

"Cần phải nói rõ ràng đây không phải trò đùa ngày Cá tháng Tư. Chúng tôi sẽ bắt đầu triển khai chương trình này vào tháng 7”, tài khoản Twitter Sputnik V viết. 

Gần hơn là Cuba, nơi đang thử nghiệm giai đoạn cuối đối với 2 loại vaccine Covid-19. Quan chức y tế Cuba cho biết, nếu thành công, nước này sẽ tiêm chủng cho đa số người dân nước này vào cuối mùa hè và thúc đẩy phát triển du lịch bằng cách mở rộng chương trình tiêm chủng vaccine cho du khách.