07:00 24/03/2016

Khi lãnh đạo địa phương đi “tiếp thị” doanh nghiệp Mỹ

Kiều Châu

Buổi “Gặp gỡ Hoa Kỳ” như một cơ hội để các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp Việt quảng bá về những thế mạnh đến nhà đầu tư Mỹ

Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn hợp tác với nhà đầu 
tư Mỹ bằng hàng loạt các thế mạnh làm nên sự khác biệt của Hà Nội - Ảnh: ANTĐ.<br>
Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn hợp tác với nhà đầu tư Mỹ bằng hàng loạt các thế mạnh làm nên sự khác biệt của Hà Nội - Ảnh: ANTĐ.<br>
Ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Gặp gỡ Hoa Kỳ” trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama sẽ thăm Việt Nam thời gian tới.

Trước hàng trăm doanh nghiệp, quan chức của Mỹ, nhiều lãnh đạo địa phương của Việt Nam liên tục “tiếp thị” về những thế mạnh khác biệt của địa phương mình với mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư Mỹ.

Mời gọi đầu tư

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao về quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian qua, trong đó điểm nhấn là thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục trên 20% trong những năm gần đây, đạt hơn 45 tỷ USD trong năm 2015.
 
Tham tán kinh tế Đại sứ quán Mỹ John Hill cho rằng, môi trường đầu tư của Trung Quốc ngày càng bớt thuận lợi và các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và các nhà đầu tư thế giới nói chung đang có xu hướng tìm đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo lời ông John Hill, đã có nhiều nhà đầu tư Mỹ mong muốn đến Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên, giữa ý định đến việc đầu tư hàng tỷ USD là một quãng đường khá dài và Việt Nam nên khắc phục những yếu kém vì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến rất gần.

Tại hội nghị, hàng loạt các lãnh đạo tỉnh, thành phố như Hà Nội, Tp.HCM, Phú Yên, Đồng Tháp, Bình Định, Vĩnh Phúc… đã có bản “tiếp thị” trước các nhà đầu tư Mỹ.

Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn hợp tác với nhà đầu tư Mỹ bằng hàng loạt các thế mạnh làm nên sự khác biệt của Hà Nội.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Hà Nội là Thủ đô có bề dày nghìn năm lịch sử, là đầu tàu kinh tế của miền Bắc với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9,23%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước giai đoạn 2011-2015. 

Tính đến cuối năm 2015, thành phố đã thu hút được 3.265 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ mới chỉ đầu tư khoảng hơn 170 triệu USD, chưa tương xứng với tiềm năng.

Thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đạt 3.600 USD. Hà Nội luôn dẫn đầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh ngày càng lớn.

“Hà Nội luôn xác định Mỹ là đối tác chiến lược hàng đầu trong phát triển kinh tế, du lịch và thương mại. Năm 2016, Hà Nội sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam”, ông Chung nói.

Theo đó, Hà Nội mời gọi các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào các dịch vụ công nghệ cao, tài chính, ngân hàng, thương mại, phát triển công nghiệp phần mềm, điện tử, tin học, công nghiệp phụ trợ, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu…

Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội cũng khẳng định sẽ làm hết mình để cải cách thủ tục hành chính, minh bạch đầu tư, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Tp.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, thành phố mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Mỹ về giáo dục, y tế, hạ tầng.

Ông khẳng định quyết tâm của chính quyền Tp.HCM trong việc triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch, thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp, nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Đồng thời, Tp.HCM muốn đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp Mỹ kinh doanh và đầu tư, góp sức xây dựng thành phố.

Phát biểu tại sự kiện này, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc thì thẳng thắn muốn mời các doanh nghiệp Mỹ trực tiếp về địa phương để nói về những thế mạnh lao động, thủ tục hành chính, ưu đãi ... vượt trội của mình.

Tiếp đó, lãnh đạo tỉnh Phú Yên, Đồng Tháp, Bình Định... lần lượt khẳng định các thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp... và mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Mỹ để tạo thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm, mở rộng xuất khẩu.

“Chào nhiều mới bán được hàng”

Ông Stuart Schaag, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho rằng các địa phương của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, hàng hoá chất lượng cao nhưng chưa biết “chào hàng”.

Ông khuyên các lãnh đạo địa phương Việt Nam hãy rời khỏi bàn làm việc, ra khỏi văn phòng tham gia các hội nghị quốc tế, trực tiếp giới thiệu quảng bá về những tiềm năng, sự khác biệt của địa phương mình so với nơi khác.

“Nếu địa phương bạn có một cảng nước sâu, có nhân lực chất lượng cao thì lãnh đạo phải biết xây dựng những câu chuyện dựa trên những thế mạnh này và phải tích cực quảng bá. Càng chào hàng nhiều thì mới bán được hàng”, ông Stuart Schaag nói.

Khi một doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư họ sẽ xem xét các đánh giá của tổ chức tài chính quốc tế về Việt Nam như chỉ số tham nhũng, môi trường đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, năng suất lao động, thủ tục hành chính, vận chuyển hàng hoá, thời gian thông quan hải quan...

Việc cần làm của địa phương là cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp ngay cả khi dự án đã thành công.
 
Tại buổi tọa đàm, Đại sứ Mỹ Ted Osius cho biết, số vốn đầu tư trực tiếp và thông qua nước thứ 3 của Mỹ khiến nước này nằm trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Theo Đại sứ Osius, các doanh nghiệp Mỹỳ mong muốn môi trường an ninh, an toàn, bình đẳng, minh bạch ở Việt Nam với các quy định rõ ràng cùng sự cải thiện hơn nữa đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế, năng suất lao động, cải cách thủ tục hành chính, quyền sở hữu trí tuệ…

Đáp lời Đại sứ Osius, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm cải cách để đón “làn sóng” đầu tư thứ hai từ Mỹ.