14:00 19/05/2022

Khi nào nên dùng công nghệ trong quản trị nhân sự?

Phúc Minh

Dùng công nghệ hay không, liên quan rất chặt chẽ việc xây dựng trải nghiệm con người. Doanh nghiệp startup hay lớn hơn đều cần đặt mục tiêu xây dựng trải nghiệm con người lên hàng đầu...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chia sẻ tại Talkshow The WISE Talk số thứ nhất với chủ đề: “HRTech - giải pháp tạm thời hay xu thế tất yếu trong quản trị nhân sự?” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức sáng 19/5, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Lê, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam, đã gợi mở nhiều vấn đề trong việc ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp về quản trị nhân sự. 

ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ LÀ CÂU CHUYỆN RẤT LỚN

Từng tham gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Lê Quốc Vinh nhận thấy “nỗi đau” lớn nhất của doanh nghiệp là làm thế nào để sử dụng hệ thống nhân sự một cách hiệu quả nhất, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh doanh. Đó là bài toán quản lý hệ thống nhân sự ấy như thế nào, ứng xử với họ ra sao, làm thế nào để tạo động lực cho họ để họ trở thành thành phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp muốn giải tất cả các bài toán đó, lâu nay có nhiều phương pháp từ hoạt động trực tiếp xây dựng mối quan hệ giữa con người với nhau, cho đến ứng dụng các giải pháp công nghệ, và gần đây giải pháp công nghệ HRTech được nhắc đến nhiều hơn.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là xây dựng văn hóa, tư duy số, cách vận hành, quản trị số hóa. Yếu tố này sẽ là một phần trong hoạt động doanh nghiệp, song cách ứng dụng sẽ tùy theo từng loại hình công ty với quy mô khác nhau. “Vấn đề là ứng dụng công nghệ như thế nào là cả một câu chuyện rất lớn”, ông Vinh nói.

“Trước đây, chúng tôi đã thử rất là nhiều giải pháp quản trị doanh nghiệp, các hệ thống ERP, thử nghiệm các nơi, rồi dùng hệ thống giải pháp trong nước bởi vì nghĩ rằng tính linh hoạt cao vì can thiệp được vào hệ thống rất dễ dàng do đơn vị cung cấp dịch vụ khá thoải mái trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng rồi mình lại phá hỏng mất cái form của họ.

Đến khi mình thấy phải sử dụng một hệ thống chuẩn chỉnh của nước ngoài để không dễ dàng can thiệp hóa ra lại rất cứng nhắc”, ông Vinh dẫn chứng và khẳng định, đây là câu chuyện muôn thuở, nếu đã từng áp dụng công nghệ sẽ thấy đây là “sự giằng xé” giữa việc ứng dụng công nghệ như thế nào cho doanh nghiệp đến mức độ nào là một bài toán rất phức tạp.

Mặc dù vậy, điều này là rất cần, vấn đề ở thái độ, cách ứng dụng, vận hành cho doanh nghiệp và tạo ra hành lang cho toàn bộ hệ thống để đáp ứng được yêu cầu.   

“Vận hành một doanh nghiệp giống như mình chèo thuyền và mỗi nhân sự là một tay chèo. Người mình mời lên để cùng chèo thuyền có chèo một hướng hay không, có chèo cùng nhịp hay không lại là một câu chuyện về phía nhân sự đó”, chuyên gia Lê Quốc Vinh nêu quan điểm.

CÔNG NGHỆ CÓ THỂ TẠO NÊN VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Ngoài ra, các công ty cũng có thể hoàn toàn ứng dụng HRTech để đo lường động lực của nhân viên, công nghệ đôi khi còn chính là điều tạo nên văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp bản chất là sự đồng nhất hệ thống các giá trị cùng chia sẻ, tất cả các thành viên trong doanh nghiệp cùng tin tưởng và đi theo một hệ thống giá trị nhất định.

Làm thế nào để truyền tải những giá trị này đến mọi thành viên trong công ty từ ban lãnh đạo xuống dưới, đồng thời những thành viên trong hệ thống cũng chia sẻ và cùng xây dựng giá trị đó giúp ban lãnh đạo duy trì và phát triển văn hóa mà họ đã tạo dựng ra.

“Bản chất của hoạt động thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp là như vậy. Vậy công nghệ có thể giúp được gì? Khi cá nhân làm được điều gì đó củng cố những giá trị được chia sẻ thì cần phải được tôn vinh, khuyến khích phát triển, đó là cách công nghệ có thể ứng dụng”, ông Vinh phân tích.

Dịch vụ công nghệ hiện nay đều theo mô hình công nghệ SaaS (Service as a Service) hết tức là nhu cầu cần đến đâu thì sẽ đầu tư đến đó. Các startup nhỏ quản lí rất đơn giản có thể chưa cần đến công nghệ nhưng khi phát triển hơn với vài chục, vài trăm, vài nghìn người thì khi đó cần ứng dụng các dịch vụ công nghệ. Điều này sẽ phụ thuộc vào quy mô và đặc thù của từng loại doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp bản chất là sự đồng nhất hệ thống các giá trị cùng chia sẻ.
Văn hóa doanh nghiệp bản chất là sự đồng nhất hệ thống các giá trị cùng chia sẻ.

Đối với các doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ vào quản trị nhân sự, ông Vinh nhấn mạnh cần chú trọng đến trải nghiệm con người. Trải nghiệm con người ở đây có một nguyên lý rất căn bản là lấy con người làm gốc và kiến tạo xây dựng những trải nghiệm tốt đẹp, hoàn hảo cho hệ thống nhân sự có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp.

Như vậy, dùng công nghệ hay không liên quan rất chặt chẽ đến cách chúng ta xây dựng trải nghiệm con người. “Công nghệ đó có giúp chúng ta tạo ra trải nghiệm tốt đẹp như chúng ta mong muốn hay không. Nếu câu trả lời là có thì đương nhiên chúng ta sẽ phải ứng dụng công nghệ. Nếu trải nghiệm con người khi đang không sử dụng công nghệ nó đang bị đứt gãy, trải nghiệm đó không hoàn thiện và đang gây khó khăn trong hoạt động quản trị thì chúng ta cần tìm một giải pháp công nghệ để thay đổi nó để giúp cho trải nghiệm công nghệ được tốt hơn”, ông Vinh nói.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam khuyên chủ doanh nghiệp dù startup hay doanh nghiệp lớn đều phải đặt mục tiêu xây dựng trải nghiệm con người lên hàng đầu. “Đó là câu trả lời cho câu hỏi lúc nào chúng ta sử dụng công nghệ”.