14:08 25/12/2023

Khi sản phẩm du lịch được gắn sao OCOP

Tường Bách

Phát triển du lịch nông thôn gắn với sản phẩm OCOP không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của từng địa phương…

Ảnh: Làng du lịch Mỹ Khánh
Ảnh: Làng du lịch Mỹ Khánh

Tại hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhấn mạnh, thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế đều có dư địa lớn để tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Ông Hoàng Hoa Quân, Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành - Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá, sản phẩm OCOP chính là vật thể minh chứng cho những khám phá, trải nghiệm của khách du lịch, những câu chuyện tại mỗi vùng miền. 

Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch của khách du lịch quốc tế cũng như trong nước đã thay đổi khá nhiều. Hiện nay, nhu cầu đối với những tổ hợp du lịch - vui chơi - giải trí giảm. Thay vào đó, khách du lịch tự tìm hiểu các thông tin trên mạng, tự chia sẻ và tự tìm đến những điểm đến mới. Các địa điểm du lịch dần dịch chuyển dần về các vùng quê, đến những điểm đến mới, nơi khách du lịch tự khám phá và trải nghiệm.

Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam, điểm tập trung giới thiệu các sản phẩm OCOP ở các địa phương chưa nhiều và đặc biệt để phục vụ được cho các đoàn khách du lịch lại càng ít. Để phục vụ cho khách du lịch, các địa phương, phải có đủ điều kiện về hạ tầng cho các công ty du lịch dẫn được khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm như đường tiếp cận, bãi đỗ xe lớn,  tập hợp đa dạng các sản phẩm, … Như vậy vừa có thể giới thiệu vừa kích cầu tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương. Thậm chí, một số sản phẩm du lịch đặc trưng cũng có thể được công nhận là sản phẩm OCOP.

OCOP chính là vật thể minh chứng cho những khám phá, trải nghiệm của khách du lịch, những câu chuyện tại mỗi vùng miền. 
OCOP chính là vật thể minh chứng cho những khám phá, trải nghiệm của khách du lịch, những câu chuyện tại mỗi vùng miền. 

Ngày 23/12 vừa qua, Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) phối hợp với các đơn vị liên quan khai trương điểm giới thiệu kinh doanh các sản phẩm OCOP Cần Thơ và đón nhận quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ công nhận Làng du lịch Mỹ Khánh là sản phẩm OCOP 4 sao.

Chia sẻ khi Làng du lịch Mỹ Khánh đón nhận quyết định chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, ông Lê Văn Sang, Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, cho biết đây là niềm tự hào của tập thể Làng du lịch. Vì thế, Làng du lịch càng ý thức cao hơn nữa vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá nghệ thuật đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Đồng thời, đây cũng là bước đệm để nâng tầm các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, theo mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.

Trải qua hơn 25 năm hoạt động và phát triển kể từ khi thành lập vào năm 1996, cùng với sự phát triển lớn mạnh của thành phố Cần Thơ, Làng du lịch Mỹ Khánh được đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn và tiêu biểu của Cần Thơ. Với khuôn viên rộng gần 30ha, đa dạng các hoạt động vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, Làng du lịch Mỹ Khánh được đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn và tiêu biểu của ĐBSCL, đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè nhận định Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế ở nông thôn dựa vào lợi thế phát huy trí tuệ, sáng tạo, nguồn lực, nguồn nguyên liệu, nét văn hóa tại địa phương. Làng du lịch Mỹ Khánh là sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của thành phố Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long được "gắn" 4 sao. Do đó, chủ thể sản phẩm OCOP Làng du lịch Mỹ Khánh cần tiếp tục khai thác, phát triển làng du lịch ngày càng tốt hơn, phấn đấu đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao.

Làng du lịch Mỹ Khánh vừa đón quyết định chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Làng du lịch Mỹ Khánh vừa đón quyết định chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.

Lãnh đạo UBND TP Cần Thơ bày tỏ hy vọng chủ sản phẩm luôn giữ gìn, phát triển sản phẩm ngày càng tốt hơn. Đồng thời, các ngành chức năng cần quan tâm, hỗ trợ Làng du lịch Mỹ Khánh và các sản phẩm OCOP của địa phương bằng những việc làm thiết thực. Sắp tới, TP Cần Thơ đang hướng đến việc xây dựng mỗi xã một sản phẩm kết hợp với tham quan du lịch, nhiều mô hình du lịch sinh thái phát triển, góp phần giới thiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho các cơ sở kinh doanh sản phẩm OCOP và tăng chi tiêu của khách du lịch.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động du lịch của Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch TP Cần Thơ, trong năm 2023 du lịch Cần Thơ đón gần 5,99 triệu lượt khách, đạt 115% kế hoạch và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách lưu trú có gần 2,98 triệu lượt. Riêng khách lưu trú quốc tế đạt khoảng 159.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch đạt 5.420 tỉ đồng, tăng 32% so với năm 2022.

Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch TP Cần Thơ đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024 là đón 6,1 triệu lượt khách; trong đó khách lưu trú đạt khoảng 3,1 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 6.000 tỉ đồng. Cùng với đó, Cần Thơ sẽ tổ chức và tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước tại Tây Nguyên, TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh và ngoài nước gồm thị trường Trung Quốc, Campuchia, Australia.

 

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Thực tế cho thấy, phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình OCOP là hướng đi hiệu quả. Đặc biệt, bộ Tiêu chí về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã có nhiều định hướng gắn với xây dựng nông thôn mới.