Doanh thu từ du lịch y tế: Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Hàng năm, hàng triệu du khách lựa chọn hình thức du lịch y tế để đến các quốc gia cung cấp với dịch vụ chăm sóc y tế có chất lượng chuyên môn cao hơn so đất nước mà họ đang sinh sống...
Trong khi nhiều người Việt Nam lựa chọn ra nước ngoài để khám và điều trị bệnh, thì số lượt người từ các nước lân cận trong khu vực sang Việt Nam chữa bệnh cũng đang ngày càng tăng. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách du lịch đến khám, chữa bệnh tại nước ta trung bình đem lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm tại thời điểm trước dịch Covid-19. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TP.HCM.
NGÀNH DU LỊCH CHỮA BỆNH “TỶ ĐÔ”
Thái Lan, Singapore và Malaysia là 3 nước hiện dẫn đầu trong khu vực ASEAN về du lịch y tế (medical tourism). Theo số liệu năm 2019, Thái Lan thu hút 3,4 triệu khách (doanh thu khoảng 3,37 tỷ USD), Singapore và Malaysia thu hút lần lượt là 1,5 triệu và 1,3 triệu khách. Có nhiều lý do giúp Thái Lan đạt được thành quả trên, đó là giá dịch vụ kỹ thuật thấp, chú trọng đào tạo chuyên sâu cho nhân viên y tế, cung ứng dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền, thủ tục nhập cảnh đơn giản…
Trong những năm qua, Singapore đã điều chỉnh chương trình bệnh nhân quốc tế để tăng thêm lượng khách du lịch y tế, phối hợp với các tổ chức, công ty bảo hiểm cũng như các bệnh viện trên thế giới nhằm nắm bắt và phục vụ nhu cầu của bệnh nhân thuộc các nền văn hóa khác nhau. Trải nghiệm sự chăm sóc vượt trội không phải là động lực duy nhất thúc đẩy bệnh nhân quyết định du lịch y tế đến Singapore. Ngày càng có nhiều công ty bảo hiểm và cơ sở khám chữa bệnh trên thế giới khuyên các bệnh nhân tới Singapore chữa bệnh với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các quốc gia phát triển khác.
Còn ở Malaysia, hệ thống y tế có tính cạnh tranh nhưng chi phí cao, khó khăn hơn về tổ chức cung ứng dịch vụ và thủ tục đăng ký khám chữa bệnh cho khách quốc tế phức tạp. Tuy vậy, mỗi ngày có gần 1.100 bệnh nhân nước ngoài đến khám và chữa bệnh đã biến Penang của Malaysia dần trở thành trung tâm y tế của khu vực. Theo dữ liệu của Trung tâm Du lịch y tế Penang (PMED), trong 9 tháng của năm 2023, khoảng hơn 287.000 bệnh nhân nước ngoài đã đến Penang, tính trung bình mỗi ngày có 1.069 bệnh nhân đến khám và chữa bệnh.
Mở rộng ra châu Á, trong thập kỷ qua, các quốc gia như UAE, Ấn Độ và Thái Lan cùng với Hàn Quốc đều cố gắng trở thành “điểm nóng” du lịch y tế. Tờ Business Wire thống kê lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở UAE đã tăng với tốc độ 8,5% từ năm 2018 đến năm 2023. Hơn nữa, doanh thu từ du lịch y tế ở UAE dự kiến sẽ đạt 19 tỷ USD vào năm 2023. Việc ra mắt gần đây cổng thông tin điện tử Trải nghiệm sức khỏe Dubai (DXH) để đặt lịch hẹn với bác sĩ và lên kế hoạch cho hành trình tiếp tục vẽ nên một triển vọng đầy hứa hẹn trong những năm tới.
Tương tự, du lịch y tế ở Ấn Độ có thể trở thành ngành công nghiệp trị giá 10 tỷ USD khi kết thúc năm 2023 với các dịch vụ y tế đa dạng và thành công đáng chú ý trong chẩn đoán, điều trị và tiêm chủng. Khi thế giới đối mặt với các đợt phong tỏa khốc liệt và ngành du lịch bị ảnh hưởng, Ấn Độ đã cấp 1 triệu thị thực y tế (2019 – 2022). Ấn Độ cũng đang thúc đẩy AI và công nghệ trong lĩnh vực y tế, bao gồm hơn 4.000 công ty khởi nghiệp về công nghệ y tế đang hướng tới mục tiêu này.
Có thể nói, các “điểm nóng” về du lịch y tế đang dẫn đầu sự thay đổi trong các dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra cơ hội tăng trưởng doanh thu quốc gia. Theo báo cáo của Grand View Research, doanh thu năm 2030 của ngành du lịch y tế trên toàn cầu sẽ lên đến gần 100 tỷ USD. Còn Market Data Forecast đánh giá quy mô thị trường du lịch y tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt giá trị 9,53 tỷ USD năm 2022 và sẽ đạt 26,20 tỷ USD năm 2027.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 51-2023 phát hành ngày 18-12-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam