"Khổ" ròng rã 4 năm vì thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cử tri Quảng Nam kêu cứu
Những tồn đọng tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua huyện Phú Ninh gây bức xúc cho cử tri tỉnh Quảng Nam suốt 4 năm ròng. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, nguyên nhân của những tồn tại này chủ yếu do người dân cản trở thi công và còn khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng...
Cử tri tỉnh Quảng Nam vừa gửi Công văn số 487/BDN đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương giải quyết các tồn tại trong quá trình thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn qua huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, đoạn từ Km57+500 cống chui đường ĐT615 chưa có đường dân sinh vào khu vực Gò Hoa, xã Tam Phước.
Cống chui đường cao tốc tại thôn Trung Đàn (thôn Đông Tây cũ), xã Tam Đại còn khoảng 50m chưa đổ bê tông khớp nối, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân.
Cùng với đó, tại Km58 (tổ 3, thôn Xuân Định, xã Tam Đàn) tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất dọc cao tốc chưa đổ bê tông như cam kết với Nhân dân trước khi triển khai dự án; tại Km59 (thôn Xuân Định, xã Tam Đàn), cầu chui đường ĐH7 không có hệ thống thoát nước, mỗi khi mưa lớn nước tràn vào nhà dân.
Còn tại Km61, 62 (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái) sạt lỡ, gây bồi lấp hạ lưu cống, lấp ruộng, mương tưới nước, nghĩa trang Gò Xù (thôn Hòa Bình); sạt lỡ đất bên phải cống không đi lại được, lấp mương tưới, tiêu, lấp ruộng, vườn một số hộ dân tại thôn Khánh Thọ (Km63), Trường Mỹ; sạt đất mố bên trái gây cản trở giao thông tại Km64 (thôn Trường Mỹ, xã Tam Thái).
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho hay thứ nhất, đối với phản ánh “Đoạn từ Km57+500 cống chui đường ĐT615 chưa có đường dân sinh vào khu vực Gò Hoa, xã Tam Phước”, tuyến đường dân sinh vào khu vực Gò Hoa, xã Tam Phước theo kiến nghị của cử tri nêu trên nằm ngoài phạm vi đầu tư của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Do đó, không thể bố trí nguồn vốn của dự án để đầu tư tuyến đường này được.
Mặt khác, tuyến đường dân sinh nêu trên sẽ thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chuyển kiến nghị của cử tri tới UBND huyện Phú Ninh xem xét, bố trí nguồn vốn để thực hiện.
Thứ hai, đối với phản ánh “Cống chui đường cao tốc tại thôn Trung Đàn (thôn Đông Tây cũ), xã Tam Đại còn khoảng 50m chưa đổ bê tông khớp nối, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân”, theo báo cáo của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), vị trí được cử tri phản ánh nằm trên tuyến đường ngang qua hầm chui Km65+493 thuộc thôn Trung Đàn, xã Tam Đại có tổng chiều dài là 139m.
Hiện đã thi công và hoàn thiện 130m, còn lại 9m nằm ở phía phải tuyến cao tốc chưa hoàn thiện do có 2 hộ dân (ông Phong và bà Thâm) cản trở thi công.
Để xử lý tồn tại này, chủ đầu tư dự án nhiều lần làm việc và có các văn bản gửi các cơ quan chức năng địa phương hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng địa phương giúp đỡ phối hợp giải quyết.
Thứ ba, đối với phản ánh “Tại Km58 (tổ 3, thôn Xuân Định, xã Tam Đàn) tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất dọc cao tốc chưa đổ bê tông như cam kết với nhân dân trước khi triển khai dự án; tại Km59 (thôn Xuân Định, xã Tam Đàn), cầu chui đường ĐH7 không có hệ thống thoát nước, mỗi khi mưa lớn nước tràn vào nhà dân”, Bộ Giao thông vận tải, cho biết tuyến đường dân sinh chưa đổ bê tông được cử tri phản ánh nêu trên là 2 đoạn đường gom nằm tại hai bên tuyến đoạn Km58+322 - Km58+745.
Đoạn trên được UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung trong quá trình thi công dự án với kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng rộng 2m.
Theo báo cáo của VEC, năm 2018, sau khi thi công xong nền đường, người dân địa phương cản trở, không cho nhà thầu thi công mặt đường, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh chiều rộng mặt đường lên 3m. Đến nay, "vướng mắc này vẫn chưa được các cơ quan chức năng địa phương giúp đỡ phối hợp giải quyết", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Còn hầm chui ĐH7 được cử tri phản ánh nêu trên nằm tại Km59+297, hầm chui này được thiết kế với khẩu độ BxH=6,5x4,5m, đường ngang qua hầm chui dài 121m với đầy đủ hệ thống thoát nước (đoạn 72m nền đào có bố trí rãnh dọc 2 bên đường và cống bản (0,75x0,75)m ngang đường để dẫn nước từ rãnh dọc của đường ngang về cống D1500 tại Km59+280 để thoát ra mương hiện hữu).
Theo báo cáo của VEC, hầm chui ĐH7 và 121m đường ngang qua hầm chui nêu trên hoàn thành. Đường ngang qua hầm chui được VEC bàn giao cho UBND huyện Phú Ninh quản lý khai thác từ ngày 27/8/2018.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phản ánh kiến nghị của cử tri với UBND huyện Phú Ninh và đơn vị trực tiếp quản lý khai thác tuyến ĐH7 để được thường xuyên kiểm tra, nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước.
Thứ tư, đối với phản ánh: “Tại Km61, 62 (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái) sạt lở, bồi lấp hạ lưu cống, lấp ruộng, mương tưới nước, nghĩa trang Gò Xù (thôn Hòa Bình); sạt lở đất bên phải cống không đi lại được, lấp mương tưới, tiêu, lấp ruộng, vườn một số hộ dân tại thôn Khánh Thọ (Km63), Trường Mỹ; sạt đất mố trái gây cản trở giao thông tại Km64 (thôn Trường Mỹ, Tam Thái)”, theo báo cáo của VEC, đoạn tuyến qua các thôn Hòa Bình, Khánh Thọ, Trường Mỹ, xã Tam Thái (cụ thể là các vị trí mương, cống tại Km60+627, Km60+880, Km62+830, Km63+090, Km64+686) có hiện tượng sạt lở, bồi lấp hạ lưu cống, mương tưới, mương tiêu, ruộng, vườn, nghĩa trang Gò Xù...
Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, có ý kiến chính thức với các huyện về việc phối hợp giải quyết các đề nghị của người dân. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đôn đốc VEC tổ chức thực hiện các khối lượng còn lại nêu trên ngay sau khi các tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng được giải quyết.
Để xử lý triệt để tình trạng sạt lở, bồi lấp nêu trên cần phải giải phóng mặt bằng bổ sung đối với một phần diện tích đất ruộng ở phạm vi lân cận.
VEC gửi hồ sơ đề nghị địa phương giải phóng mặt bằng bổ sung để chủ đầu tư xử lý tình trạng sạt lở, bồi lấp đối với đoạn tuyến từ năm 2018 và năm 2019 nhưng việc giải phóng mặt bằng bổ sung này vẫn chưa được địa phương hỗ trợ phối hợp thực hiện.
Đường ngang qua hầm chui dân sinh tại Km64+709 và tứ nón bên trái tuyến của hầm chui này cũng chưa được hoàn thiện do một số hộ dân cản trở thi công vì cho rằng việc đền bù giải phóng mặt bằng chưa thỏa đáng. Vướng mắc này đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng địa phương giúp đỡ phối hợp giải quyết.
Cũng tại văn bản trả lời cử tri, Bộ Giao thông vận tải đề cập đến lộ trình dự kiến giải quyết và thời điểm giải quyết xong các nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam đối với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam).
"Đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư tại các mục 2, 3 và 4 nêu trên, nguyên nhân tồn tại chủ yếu do người dân cản trở thi công để khiếu nại về công tác giải phóng mặt bằng, chiều rộng mặt đường gom dân sinh... và việc chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bổ sung để xử lý hạ lưu cống", Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ.
Còn với kiến nghị thứ nhất về việc xem xét, đầu tư đường dân sinh vào khu vực Gò Hoa, xã Tam Phước; chỉ đạo đơn vị quản lý khai thác tuyến ĐH7 kiểm tra, nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước đoạn tuyến ĐH7 qua hầm chui Km59+297..., Bộ Giao thông vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phản ánh kiến nghị của cử tri với chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương để tổ chức thực hiện theo quy định.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 139,2km, với tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, do Bộ Giao thông vận tải quyết định đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC làm chủ đầu tư.
Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài khoảng 91,5km, từ Km8 - Km99+500; trong đó, đoạn Km8 - Km65 đưa vào khai thác từ ngày 2/8/2017, đoạn Km65 - Km99+500 đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018.
Dù đưa vào khai thác gần 4 năm những nhưng vướng mắc tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn chưa được xử lý dứt điểm.