16:45 18/10/2020

Khó tiếp cận vốn vay tiêu dùng, tín dụng đen vẫn có đất hoành hành

Đào Hưng

Là giải pháp quan trong để giải quyết vấn nạn tín dụng đen nhưng cơ cấu tín dụng lĩnh vực cho vay đời sống, cho vay tiêu dùng trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế không tăng nhiều

Chưa có biện pháp giải quyết hoàn toàn tình trạng tín dụng đen.
Chưa có biện pháp giải quyết hoàn toàn tình trạng tín dụng đen.

Nhiều năm trở lại đây, rất nhiều hội nghị, hội thảo mở ra để tìm cách tuyên truyền, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen. Điều này cho thấy, tín dụng đen vẫn luôn là mối quan tâm lo lắng của các cơ quan hữu quan.

TÍN DỤNG CHÍNH THỨC TĂNG NHIỀU HAY ÍT?

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị “Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội”.

Theo đó, số liệu được công bố tính đến hết tháng 9/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8,69 triệu tỷ đồng, tăng 6,09% so với cuối năm 2019.

Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 2,12 triệu tỷ đồng với 14,17 triệu khách hàng, chiếm 24,67% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 5% so với cuối năm 2019.

Các tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng với dư nợ ước đến cuối tháng 8/2020 đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 19,98% dư nợ nền kinh tế.

Còn nhớ, cũng tại một hội nghị về tín dụng đen do Ngân hàng Nhà nước tổ chức năm ngoái, số liệu về dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực cho vay đời sống, cho vay tiêu dùng ở thời điểm đầu năm 2019 là 1,416 triệu tỷ đồng, chiếm 19,65% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Như vậy, xét về con số tuyệt đối, trong 1 năm 8 tháng qua, tín dụng cho vay đời sống, cho vay tiêu dùng tăng gần 300 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khi nhìn cơ cấu tín dụng lĩnh vực này trong tổng dư nợ toàn nền kinh tế thì mới chỉ tăng 0,33%.

Trong khi đó, phát triển tín dụng tiêu dùng vốn vẫn được giới chuyên môn đánh giá là giải pháp quan trọng và hữu hiệu để giải quyết vấn nạn tín dụng đen.

GIẢI PHÁP CHO TÍN DỤNG ĐEN

Cũng tại hội nghị trên, một loạt các ý kiến giúp người dân nhận biết cũng như định hướng chính sách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen được nêu ra.

Cụ thể, Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự đưa ra hai đặc trưng cơ bản để xác định và nhận diện tín dụng đen. Thứ nhất, lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định, trên 20%/năm. Thứ hai, việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Còn theo Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ, qua thống kê, trong 1 năm, lực lượng công an đã quản lý 27.999 dịch vụ cơ sở, hơn 41.000 người làm nghề đòi nợ.

“Trong thời gian tới, chúng ta cần nhận thức chủ động, quyết liệt chống tín dụng đen, nếu không hệ lụy là vừa mất tiền, mất người, lại tốn kém cho xã hội, chưa kể gây mất an ninh tín dụng của cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Tuy nhiên, với tín dụng đen, cần chủ động phòng là chính", ông Thành nhấn mạnh.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động khảo sát tại một số tỉnh, thành phố là điểm nóng về tín dụng đen, tổ chức các hội nghị bàn về các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn chính thức cho người dân.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động với bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phân công cụ thể, chi tiết các giải pháp, đơn vị đầu mối và lộ trình thực hiện. Xây dựng đề án cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; đề xuất triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Định hướng chính sách trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ khôi phục nền kinh tế sau giai đoạn Covid-19; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình cho vay.

Đặc biệt, ông Tú cũng yêu cầu hệ thống các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh các hình thức truyền thông cụ thể tới người dân; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với những nguồn vốn hợp pháp, những sản phẩm cụ thể của hệ thống ngân hàng.