09:09 23/02/2010

Khó “vay”, khó “trả” Bà Chúa Kho

Chu Khôi

Người đi “vay tiền” âm phủ cũng gian nan chẳng kém việc vay tiền ở cõi dương gian

Đường lên Đền Bà Chúa Kho - Ảnh: TT&VH
Đường lên Đền Bà Chúa Kho - Ảnh: TT&VH
Cứ đầu xuân, người tứ phương lại nô nức tìm về Đền Bà Chúa Kho ở thành phố Bắc Ninh để “vay vốn” và xin lộc.

Trải qua cảnh chen lấn xô đẩy như một cuộc hành xác của hàng nghìn người dấn thân vào không gian chật hẹp từ con đường lên đền, sân đền, chúng tôi bỗng nhận ra rằng người đi “vay tiền” âm phủ cũng gian nan chẳng kém việc vay tiền ở cõi dương gian.

Trên đường từ thị trấn Lim (huyện Tiên Sơn) đến cổng đền Bà Chúa Kho dài gần 7-8 km, la liệt hai bên đường là những hàng quán đầy ắp những “cành vàng lá ngọc” và vàng mã, với đủ loại biển hiệu: “Nhận viết sớ, sắp đồ lễ”. Cách đền 1 km đã thấy xe con, xe máy nườm nượp nối đuôi nhau khiến con đường trở nên tắc nghẽn.

Ghé vào một quán bán đồ lễ, ông chủ quán giảng giải, muốn làm lễ “vay tiền” Bà Chúa Kho, phải viết vào sớ. Mỗi người cần viết 2 lá sớ, một dâng ở Đền Trình và một lá trình lên đền Bà Chúa Kho, khách sắm lễ phải trả 10-20 nghìn đồng/lá sớ.

Khách đi vay tiền phải sắm lễ, lễ càng nhiều thì Bà Chúa Kho càng phù trợ cho làm ăn phát đạt. Cũng vì thế mà dịch vụ kinh doanh đồ lễ vô cùng phát đạt, với giá bán được nâng lên một cách vô tội vạ: một con gà luộc giá bán 200.000-300.000 đồng, khoanh giò lụa khoảng 3-5 lạng có giá 70.000-150.000 đồng, xôi gấc 20.000 - 40.000 đồng/đĩa. Các loại hoa quả, hương, bánh kẹo, nước ngọt đều được nâng giá 3-5 lần so với giá bình thường.

Ở đây có dịch vụ biện lễ trọn gói cho khách, với giá từ 200 nghìn đồng đến hàng triệu đồng. Rất nhiều người kinh doanh giàu có sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để sắm cả 8 mâm lễ dâng lên đủ 8 điện thờ trong đền Bà Chúa Kho.

Thứ không thể thiếu trong mâm lễ vật dâng lên bà chúa là vàng mã, tiền âm phủ. Hàng chục loại tiền âm phủ khác nhau, từ loại tiền âm phủ cổ xưa đến những ngoại tệ như đôla, đến cả tiền mệnh giá 200 nghìn, 500 nghìn đồng được in ấn chẳng khác gì tiền polymer của cõi dương gian.

Lối lên đền quá chật hẹp, hai bên hàng quán tràn ra lấn chiếm, khiến dòng người chật cứng. Người phía sau đẩy lên, dòng người phía trước xô ngược trở lại. Một cuộc “hành xác” thực sự, những tiếng kêu cứu, rồi tiếng la hét của nhiều người bị kẻ cắp móc mất ví tiền dội lên tứ phía.

Mất ví tiền không quan trọng, nát đồ lễ thì mất thiêng! Dẫu vậy, chẳng ai giữ được đồ lễ nguyên vẹn, “cành vàng lá ngọc, vàng mã” rách nát và bay lả tả. Nghẹt thở, chẳng thể chịu nổi, muốn quay trở ra nhưng cũng không được. Len mãi mới đi sát được về phía các quầy hàng bên lề, những mong tìm một nơi thoáng hơn qua cơn hỗn loạn.

Tìm ra bên ngoài để nghỉ cho bớt ngạt, phải mất vài lần đi lên rồi lại xuống, chúng tôi mới vượt được qua cổng đền Bà Chúa Kho. Không thể leo được lên đền, đành đặt lễ ngoài sân. Thuê mâm để đựng lễ, rồi thuê chỗ để đặt lễ hết 15 nghìn đồng. Mặc dù mũi và họng sắp ngạt vì khói nhang, khói đốt vàng mã, nhưng lúc này cũng có thể thở phào nhẹ nhõm.

Không chỉ có dịch vụ bưng đặt lễ, khấn thuê, mà tại sân Đền còn có nhiều người làm dịch vụ đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, bán sách tử vi, bán túi đựng lộc cho du khách. Nơi hóa vàng sớ với 3 lò thiêu luôn rực lửa, mỗi ngày thiêu đốt hàng chục tấn vàng mã. Một người đi lễ đang đốt cả tập tiền âm phủ, nặng phải đến 3 kg, mà toàn loại tiền mệnh giá 200 nghìn và 500 nghìn đồng.

Sau khi lễ xong, khách đến khu nhà phát lộc, người nào vay vàng Bà Chúa Kho thì nhận vàng (vàng mã) ở đây, người không vay thì xin lộc. Khách bỏ tiền lẻ vào hòm, nhiều ít tùy tâm. Cảm nhận của các dịch vụ trong khu vực sân đền đã được quản lý tốt hơn những năm trước, giá cả tại đây đã có sự đồng đều và phải chăng hơn. Trong khi các hàng quán, dịch vụ bên ngoài cổng đền thì vẫn phổ biến hiện tượng “chặt chém”.

Ông Nguyễn Văn Mã, Trưởng ban Quản lý di tích đền Bà Chúa Kho cho biết, lượng khách thập phương đến lễ rất đông, nên công tác quản lý và đảm bảo an ninh tại Đền vô cùng khó khăn. Chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng kẻ gian trà trộn trộm cắp, móc túi, hoặc sử dụng các thủ đoạn tinh vi khác để lấy tiền của khách. Năm nào 25 người trong Ban An ninh (thuộc Hội Người cao tuổi) của đền cũng phải kết hợp với công an phường, công an thành phố Bắc Ninh đảm bảo trật tự an ninh cho khách lễ đền.

Ban quản lý di tích đã cấm người bán hàng không đeo bám khách nên năm nay đã giảm hẳn tình trạng này. Tuy nhiên vẫn còn lộn xộn trong hoạt động khấn thuê. Dù người khấn thuê không còn bắt chẹt khách, chỉ lấy 10 nghìn đồng/lần khấn, nhưng trong nhóm khấn thuê có người không biết khấn. Tốt nhất, khách đến tự khấn để tránh phiền phức, bởi chính người đến cúng làm hư người khấn thuê.

Trên đường về, ghé vào một quán ăn bên đường, khi nghe chúng tôi bàn chuyện đi lễ Bà Chúa Kho, chị  chủ quán góp chuyện: "Bà Chúa Kho được coi là thần coi kho, có bao giờ mở kho cho thiên hạ vay tiền đâu mà cứ đổ xô đi vay rồi trả. Ngay dân kinh doanh Bắc Ninh chúng tôi cũng chỉ đi lễ đền thôi chứ có ai vay mượn gì đâu mà vẫn làm ăn sinh sống đàng hoàng".

* Tương truyền, bà Chúa Kho là người phụ nữ nhan sắc, khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong và sau chiến thắng Như Nguyệt (1076), có công chiêu dân dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm, Cổ Mễ, Thượng Đồng, giúp mọi người khai khẩn đất đai nông nghiệp... Sau này bà trở thành một vị hoàng hậu (tương truyền vào thời Lý), giúp nhà vua trong việc kinh bang đất nước, giữ gìn kho lương.

Bà đã bị giặc giết trong lúc phát lương cứu đỡ dân làng vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077). Cảm kích đối với tấm lòng bao dung của bà, nhà vua đã có chiếu phong cho bà là Phúc Thần, nhân dân Cổ Mễ nhớ ơn và lập đền thờ ở vị trí kho lương trước kia. Không ai biết tên thật của Bà là gì, chỉ gọi một cách tôn kính là bà Chúa Kho.