Khoá đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn, Tổng thống Putin kêu gọi châu Âu mở Nord Stream 2
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ông Putin nói nếu muốn được Nga bơm thêm khí đốt, châu Âu cần phải dỡ các biện pháp trừng phạt cản trở việc đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động...
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu phủ nhận Moscow có bất kỳ vai trò gì trong cuộc khủng hoảng năng lượng mà Liên minh châu Âu (EU) đang phải gồng mình chống chọi. Ông nói nếu muốn được Nga bơm thêm khí đốt, châu Âu cần phải dỡ các biện pháp trừng phạt cản trở việc đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động.
Theo tin từ Reuters, phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Uzbekistan, ông Putin cho rằng điều mà ông gọi là “chương trình nghị sự xanh” của châu Âu mới chính là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ông khẳng định Nga vẫn hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ cung cấp năng lượng theo các hợp đồng đã ký.
“Kết luận ở đây là nếu các bạn cảm thấy tình hình cấp bách, nếu các bạn thấy khó khăn, thì hãy dỡ trừng phạt đối với Nord Stream 2, đường ống với công suất vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Chỉ cần các bạn bấm nút và mọi thứ sẽ tiến triển”, người đứng đầu điện Kremlin nói.
Dòng chảy khí đốt giá rẻ từ Nga vốn được xem như một “bầu sữa” cho sự phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp ở châu Âu. Sự sụt giảm của dòng chảy này đang khiến nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở châu Âu phải cắt giảm hoạt động hoặc đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Nord Stream 2 là đường ống dẫn khí đốt chạy ngầm dưới biển Baltic và gần như song song với đường ống Nord Stream 1. Nord Stream 2 được xây dựng xong cách đây 1 năm, nhưng chỉ vài ngày trước khi chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ vào hôm 24/2 năm nay, Đức đã quyết định đình chỉ vô thời hạn quy trình phê chuẩn đường ống này. Vì vậy, Nord Stream 2 - đường ống tiêu tốn 11 tỷ USD để xây dựng - đến nay vẫn chưa thể vận chuyển một giọt khí đốt nào và thậm chí đối mặt với nguy cơ bị “khai tử” nếu sự trừng phạt không được tháo gỡ.
Đây không phải là lần đầu tiên phía Nga gợi ý châu Âu cho mở Nord Stream 2.
Tại một cuộc họp báo hồi đầu tháng 8, người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov cũng đề cập khả năng châu Âu có thể nhận được khí đốt từ Nga qua Nord Stream 2.
Theo tiết lộ của ông Peskov, trong một cuộc gặp trước đó với cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, ông Putin nói với ông Schroeder rằng từ cuối năm nay, Nord Stream 2 có thể cung cấp 27 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho EU nếu được cho phép đi vào hoạt động.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp hơn 2 lần từ đầu năm đến nay do sự suy giảm nguồn cung khí đốt từ Nga. Hiện tại, lượng cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đã giảm xuống mức gần như tối thiểu, với đường ống Nord Stream 1 đang bị phía Nga khoá van vô thời hạn vì lý do hỏng hóc kỹ thuật và ảnh hưởng của lệnh trừng phạt.
Dòng chảy khí đốt giá rẻ từ Nga vốn được xem như một “bầu sữa” cho sự phát triển của hoạt động sản xuất công nghiệp ở châu Âu. Sự sụt giảm của dòng chảy này đang khiến nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở châu Âu phải cắt giảm hoạt động hoặc đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Giá điện và giá nhiệt sưởi tăng phi mã theo giá khí đốt cũng đẩy lạm phát ở châu Âu tăng vọt và nền kinh tế khu vực có nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế kéo dài.
Nord Stream 2 - đường ống tiêu tốn 11 tỷ USD để xây dựng - đến nay vẫn chưa thể vận chuyển một giọt khí đốt nào và thậm chí đối mặt với nguy cơ bị “khai tử” nếu sự trừng phạt không được tháo gỡ.
Châu Âu cáo buộc Nga dùng năng lượng làm vũ khí để trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow liên quan tới cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Về phần mình, Nga tố cáo phương Tây đã phát động một cuộc chiến kinh tế nhằm vào Nga và nói chính các biện pháp trừng phạt đã cản trở hoạt động bình thường của Nord Stream 1.
Hiện tại, Nga đã cắt cung cấp khí đốt hoàn toàn đối với một số quốc gia châu Âu bao gồm Bulgaria và Ba Lan vì các nước này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Rúp như yêu cầu mà Moscow đưa ra.
Tuy nhiên, có một tin tốt đối với các nước châu Âu là dự trữ khí đốt của khu vực này đang được làm đầy với tiến độ nhanh hơn so với kế hoạch đề ra, nhờ nỗ lực cắt giảm mức tiêu thụ và việc châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp như Mỹ và Qatar.
Vào hôm thứ Sáu, giá khí đốt bán buôn trên sàn TTF ở Hà Lan - giá tham chiếu của thị trường khí đốt châu Âu - là khoảng 185 Euro/megawatt giờ. Mức giá này cao gấp khoảng 3 lần cách đây 1 năm và gấp hơn 2 lần so với mức vào đầu tháng 6 - thời điểm hãng khí đốt quốc doanh Nga Gazprom bắt đầu siết dòng chảy khí đốt đi qua Nord Stream 1. Tuy nhiên, mức giá này đã giảm hơn 45% so với mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập vào hôm 26/8 và bằng mức giá vào thời điểm cuối tháng 7.