16:16 26/04/2007

Khốc liệt cuộc chiến bảo hiểm phi nhân thọ

Lan Hương

Phương pháp cạnh tranh phổ biến nhất trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ là hạ phí và tăng mức hoa hồng

Có những sản phẩm bảo hiểm, phí giảm tới 30-40%. Thậm chí còn hạ tới dưới mức sàn mà các công ty bảo hiểm nước ngoài đưa ra - Ảnh: Việt Tuấn.
Có những sản phẩm bảo hiểm, phí giảm tới 30-40%. Thậm chí còn hạ tới dưới mức sàn mà các công ty bảo hiểm nước ngoài đưa ra - Ảnh: Việt Tuấn.
Cuộc giao ban giữa Bộ Tài chính với 37 doanh nghiệp bảo hiểm diễn ra vào ngày 24/4 đã trở nên nóng hơn khi vấn đề cạnh tranh được nêu ra.

Câu chuyện hoa hồng và hạ phí bảo hiểm không phải là mới, song đang ngày càng trở thành công cụ cạnh tranh hữu hiệu của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2006 tiếp tục có sự tăng trưởng. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 6,445 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2005. 12 doanh nghiệp bảo hiểm trong nước vẫn nắm giữ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với thị phần 94,9%, nhưng thực chất, thị phần doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn như Bảo Việt: 34,9%, Bảo Minh 21,3%, PVI 18,1% và Pjico 10,5%. 9 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chia nhau thị phần 5,l% còn lại.

Theo đánh giá chung của Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính, bên cạnh sự tăng trưởng ổn định trong năm 2006, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn có nhiều vấn đề nổi cộm như cạnh tranh hạ phí, tăng chi phí khai thác, chưa kiểm soát được trục lợi bảo hiểm, một số vấn đề về thoả thuận tàu biển, hàng hoá... chưa được thực hiện triệt để. “Các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ lo cạnh tranh với nhau mà quên đi việc phải làm sao cạnh tranh được với chính các dịch vụ tài chính khác”, ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), nhận xét.

Những hình thức cạnh tranh không lành mạnh đang diễn ra trên thị trường được liệt kê ra như: hạ phí, mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm không tính đến hiệu quả kinh doanh. Có cả chuyện doanh nghiệp cạnh tranh thông qua sự can thiệp hành chính để các doanh nghiệp khác không được tiếp cận khai thác dịch vụ, từ đó phí khai thác dịch vụ bảo hiểm chủ yếu tập trung vào một doanh nghiệp trong một ngành một lĩnh vực.

Lý giải về chuyện hạ phí, ông Trần Trọng Phúc, Tổng giám đốc Bảo Việt Việt Nam, cho rằng, trong bảo hiểm, để phân tán rủi ro, các doanh nghiệp bảo hiểm thường duy trì hoạt động tái bảo hiểm cho nhau, vì vậy các sản phẩm bảo hiểm có tính tương đồng và tính quốc tế rất cao.

Chính vì vậy, khi một công ty mới vào thị trường hoặc muốn giành khách hàng từ các công ty khác để tăng thị phần, thì phương pháp cạnh tranh phổ biến nhất là hạ phí và tăng chi phí hoa hồng trong khai thác. Tuy nhiên, việc hạ phí quá mức sẽ không thể lâu dài vì rất có thể dẫn đến rủi ro cho chính công ty bảo hiểm.

Theo ông Phúc, có những sản phẩm bảo hiểm, phí giảm tới 30-40%. Thậm chí còn hạ tới dưới mức sàn mà các công ty bảo hiểm nước ngoài đưa ra. “Đó là điều không thể chấp nhận được. Và như vậy rất nguy hiểm, vì không tái bảo hiểm được thì các doanh nghiệp này phải “ôm” toàn bộ rủi ro (nếu có), và trong trường hợp tổn thất lớn, sẽ vượt quá khả năng thanh toán của họ”, ông Phúc chia sẻ.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện đang trong tình trạng càng làm càng lỗ, do việc chi hoa hồng quá mức giữa các doanh nghiệp. Theo quy định, khi ký được hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm được phép chi từ 2,5% đến 12% hoa hồng (tùy loại hợp đồng) cho đại lý bảo hiểm hoặc tối đa không quá 15% cho doanh nghiệp môi giới.

Những đối tượng khác như người không phải kinh doanh đại lý, môi giới bảo hiểm; khách hàng mua bảo hiểm; cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đều không được phép nhận chi trả hoa hồng.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam tỏ ra rất bức xúc khi nói về vấn đề hoa hồng. Theo ông, cạnh tranh hiện nay đúng là quá mức, hoa hồng quá mức. Bộ Tài chính có quy định về tỷ lệ phần trăm hoa hồng doanh nghiệp được phép chi, nhưng trên thực tế, hoa hồng đã biến tướng thành nhiều dạng khác nhau.

“Với tình trạng cạnh tranh như hiện nay, hoa hồng chi cao dẫn đến phí bảo hiểm thấp và như vậy không đủ chi trả bồi thường cho khách hàng. Hiện đã có doanh nghiệp bảo hiểm chỉ đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng/năm nhưng lợi nhuận chỉ còn 1 tỷ đồng. Nếu xảy ra tổn thất phải bồi thường thì coi như hết lãi. Kinh tế phát triển nhưng lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm ngày càng đi xuống”, ông Tuyến nói.

Ở một góc độ khác, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch HĐQT Bảo Minh, lại đề nghị Bộ Tài chính dỡ bỏ quy định mức trần đối với hoa hồng để có thể hạn chế tình trạng biến tướng như hiện nay.

“Trong hoàn cảnh nền kinh tế bao cấp, thì việc quản lý đó là hợp lý nhưng trong thời điểm này, khi nền kinh tế đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần nên mọi việc chi tiêu liên quan đến chi phí liên quan đến lợi nhuận đều do các chủ sở hữu quyết định việc quản lý xem ra không còn phù hợp trên thế giới, mức hoa hồng đều do các doanh nghiệp bảo hiểm tự ấn định”, ông Đức đề nghị.

Theo ông Tuyến, tình trạng đã đến mức như hiện nay, Bộ Tài chính cần phải kiểm tra nhiều hơn, xem các doanh nghiệp có đáp ứng các điều kiện về tái bảo hiểm, phí bảo hiểm không.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trịnh Thanh Hoan, cho rằng cần phải có những biện pháp mạnh để xử lý những vi phạm của các doanh nghiệp và tôn vinh các doanh nghiệp làm ăn tốt. “Có thể sẽ đề nghị đăng công khai trên website của Bộ Tài chính các doanh nghiệp vi phạm, thậm chí những sai phạm lớn sẽ đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu không kiên quyết, doanh nghiệp sẽ không sợ” ông Hoan nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, ông ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp để nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng các quy định mới, hoàn thiện chính sách, thể chế về kinh doanh bảo hiểm cũng như để chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát. Riêng với những kiến nghị cụ thể như: hoa hồng, quản lý tài chính sẽ giao cho Vụ Bảo hiểm tập hợp lại, nghiên cứu và giải đáp cho doanh nghiệp.